|
Ra quân tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. |
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới công bố cuối năm 2023, trong giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam giảm tới 43,5%.
Với mức giảm từ tỷ lệ 24,5 người tử vong/100.000 dân xuống còn 17,7 người tử vong/100.000 dân, Việt Nam nằm trong nhóm 45 quốc gia có tỷ lệ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ giảm trên 30% trong giai đoạn kể trên. Đây là một thông tin hết sức tích cực, cho thấy những chính sách và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã thực sự phát huy hiệu quả, đem lại những chuyển biến tích cực cho người dân và xã hội.
Khách quan đánh giá thì vậy, nhưng những gì diễn ra khiến chúng ta không thể thỏa mãn mà quên đi những vấn đề và nhiệm vụ còn khá nặng nề. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, cả nước xảy ra 14.059 vụ tai nạn giao thông, trung bình mỗi ngày 38 vụ, khiến 20 người chết, 29 người bị thương. So với năm 2022, cả số vụ, số người chết và bị thương đều tăng. Điều đáng nói là những con số thống kê này cũng chưa phản ánh hết về thực trạng an toàn giao thông. Bởi, đây mới chỉ là những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây hậu quả, còn những vụ tai nạn nhẹ hay va quệt chưa được tính đến.
Cũng trong năm 2023, cả nước đã xử lý hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 6.500 tỷ đồng, tước hơn 664.000 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 1 triệu phương tiện. Đây là một thực tế đáng buồn bởi rõ ràng trong năm qua các lực lượng chức năng đã không ngừng nỗ lực trên mọi phương diện, nhất là trong việc thực hiện kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, một chủ trương được dư luận xã hội hết sức đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Trong khi đó, hậu quả do tai nạn giao thông gây ra hẳn ai cũng có thể thấy rõ, đó là những thiệt hại không gì bù đắp được về sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân. Nhiều gia đình đã không có được một cái Tết đoàn viên trọn vẹn khi mãi mãi mất đi người thân hay người thân phải nhập viện điều trị vì tai nạn giao thông. Nhiều người phải mang theo thương tật suốt đời, không còn khả năng lao động cũng do tai nạn giao thông. Nhiều gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn, túng quẫn vì chi phí chữa trị cho nạn nhân giao thông tốn kém, rồi không còn người lao động… Những nỗi đau, gánh nặng đó không chỉ của riêng các gia đình mà là của toàn xã hội.
Và cũng như mọi năm, càng cận những ngày tết, lượng tham gia giao thông của người dân càng tăng cao bởi chắc chắn ai trong mỗi chúng ta cũng đều phải di chuyển nhiều hơn từ về quê với gia đình, đi mua sắm tết, thăm thú bạn bè, ngao du ngắm cảnh…, lượng người đổ ra đường vì thế tăng càng cao. Vì thế, tình hình trật tự an toàn giao thông cũng trở nên phức tạp hơn và kéo theo đó là những lo ngại về nguy cơ tai nạn giao thông gia tăng.
Lường trước được thực tế này, sáng 11/1/2024, Công an các địa phương đồng loạt mở đợt cao điểm ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội nhằm “kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông” dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội đầu xuân 2024. Đợt cao điểm kéo dài từ nay cho đến ngày 09/03/2024, nhằm bảo đảm tốt trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội cho Nhân dân vui tết, đón xuân.
Chưa hết, ngày 29/1/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 10/CĐ-TTg về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Nội dung quan trọng được người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cũng như các địa phương là phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, triển khai các phương án tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh đối với tất cả các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt là trên đường bộ, nhất là các tuyến đường cao tốc; tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.
Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Công điện nhấn mạnh đến hàng loạt biện pháp cả về trước mắt cũng như lâu dài nhằm hạn chế và kéo giảm các vụ tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và thời gian sắp tới. Trong đó có những quy định mà người tham gia giao thông cần phải thuộc “nằm lòng” như “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”; “Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô”, “Tuân thủ quy định về tốc độ”….
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thiết nghĩ, để niềm vui năm mới được trọn vẹn, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng thì hơn hết mỗi người dân cần nâng cao tinh thần, ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Từ đó, con đường về nhà, đi du xuân Giáp Thìn là con đường của những tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc./.