Phản hồi về sự kiện mới đây một nhóm nghiên cứu độc lập đã công bố kết quả xếp hạng 49 trường đại học ở Việt Nam bà Nguyễn Thị Kim Phụngcho biết thêm hiện nay không phải nước nào cũng xếp hạng đại học, ngay cả những nước phát triển. Điều này cho thấy mức độ khó khăn, tính phức tạp của công việc này. Trên thế giới có rất nhiều tổ chức xếp hạng đại học nhưng chỉ có một số rất ít có uy tín và đưa ra kết quả được nhiều bên sử dụng để tham khảo.
Tất cả các bảng xếp hạng cũng đều là thông tin tham khảo. Tuy nhiên nếu làm không thận trọng sẽ gây tác dụng ngược, làm ảnh hưởng đến uy tín của một số trường, làm “nhiễu” thông tin xếp hạng. Thậm chí có chủ thể lợi dụng xếp hạng để trục lợi (công bố kết quả xếp hạng không đúng thực tế, thu học phí cao sau khi có kết quả xếp hạng không đúng thực tế; chú trọng đầu tư cho một số tiêu chí xếp hạng, không tính đến mục tiêu phát triển toàn diện và đáp ứng nhu cầu của người học, phục vụ cộng đồng…).
Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa vấn đề xếp hạng đại học vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học để việc xếp hạng của Việt Nam gần hơn với thông lệ quốc tế và phù hợp với chủ trương tự chủ đại học đang được ngày càng mở rộng ở nước ta.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng nhấn mạnh: Xếp hạng đại học cần phải dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy, đánh giá trên một bộ tiêu chí khoa học, đầy đủ; được thực hiện theo những nguyên tắc, quy trình được các bên liên quan tham gia thì kết quả xếp hạng mới có độ tin cậy cao, mới tham khảo rộng rãi...
MK