Ngày 10-12, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết vào chiều nay sẽ diễn ra cuộc họp giữa lực lượng kiểm lâm và Hải quan tỉnh Quảng Trị để thống nhất phương án xử lý số lâm sản gồm gỗ và động vật hoang dã được Hải quan Quảng Trị cùng 2 đơn vị khác bắt giữ vào chiều 3-12.
Theo đó, 20 cá thể Hon, 26 cá thể Dúi, 2 cá thể Chồn được lực lượng chức năng "giải cứu" khi đang trên đường vận chuyển đến bàn nhậu. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ gần 300 kg động vật rừng đã chết và thịt tươi sống; 210 kg gỗ xẻ thanh nghi là gỗ cẩm lai.
Một ngày sau khi bắt giữ, Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Quảng Trị đã có công văn gửi Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật và đối tượng vi phạm để kiểm lâm xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, ngày 5-12 Hạt kiểm lâm huyện Đakrông công văn hồi đáp sẽ không nhận hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm nói trên. Đơn vị này chỉ sẵn sàng cử cán bộ phối hợp xác minh nguồn gốc lâm sản, xác định loài, số lượng…
Vì chậm được cứu hộ, thả về rừng nên nhiều thú rừng bị chết vì kiệt sức
Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông đơn vị từ chối tiếp nhận vụ việc là bởi, theo quy định tại Khoản 5, Điều 34, Nghị định số 35/2019/ND-CP ngày 25/4/2019, Hải quan Quảng Trị có thẩm quyền để xử lý vụ việc. "Ngoài ra trong quá trình kiểm tra, kiểm soát ở địa bàn huyện Đakrông, Hải quan không phối hợp. Hải quan phát hiện vụ việc ở huyện Đakrông, nhưng đưa về khám xét tại trụ sở ở địa bàn huyện Hướng Hoá, thì làm sao chúng tôi lên đó nhận được"- vị này nói.
Thú rừng chờ chết trong kho Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Quảng Trị
Trong khi đó, lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Trị cho hay, tại Khoản 5 (Điều 34, Nghị định số 35) có xác định thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong việc xử phạt hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tuy nhiên, thẩm quyền này chỉ được xác định khi cơ quan thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hoặc phòng chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Còn trường hợp vụ việc này không xác định được nguồn gốc hàng hóa từ nước ngoài hay vận chuyển trái phép qua biên giới thì sẽ không thuộc thẩm quyền xử lý.
Tính đến hôm nay, đã một tuần trôi qua, hàng chục động vật rừng vẫn bị "giam" trong kho chứa của Đội KSHQ. Trong khi chờ các cơ quan liên quan bàn phương án giải quyết thì đã có 5 cá thể Dúi và 3 cá thể Hon bị chết vì kiệt sức; trong khi đó nhiều cá thể khác đang bị thương, thoi thóp trong giá lạnh. Liệu chúng có đủ sức để chờ đến lúc được "giải cứu" thêm một lần nữa hay không?
Tin-ảnh: Đ. Nghĩa