Nhiều tàu vỏ thép ở Bình Định vừa được đóng mới đã bị gỉ sét, hư hỏng nặng (Ảnh: TTXVN)
Nhiều tàu cá đóng mới hoạt động có hiệu quả
Về công tác triển khai thực hiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, theo báo cáo, tính đến ngày 31/5/2017, các tỉnh đã phê duyệt 1.948 chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn. Trong đó, chủ tàu đủ điều kiện đóng mới là 1.510 tàu, trong đó tàu vật liệu vỏ thép 619 tàu, vỏ composite 149 tàu, vỏ gỗ 742 tàu; nâng cấp 438 tàu.
Trong số 1.948 chủ tàu đã được phê duyệt đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 981 chủ tàu, số tiền cam kết cho vay là 9.710 tỷ đồng, đã giải ngân 8.783 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/5/2017, số tàu đóng xong đi vào hoạt động là 666 tàu, trong đó theo nghề có 622 tàu khai thác và 44 tàu dịch vụ hậu cần; theo vật liệu vỏ có 297 tàu vỏ thép, 347 tàu vỏ gỗ, 22 tàu composite; theo công suất từ 800 CV trở lên là 539 chiếc.
Theo báo cáo của các địa phương, các tàu cá đóng mới đi vào hoạt động đa số đạt hiệu quả khá, phát huy được nguồn vốn đầu tư, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; nhiều tàu đã trả nợ vốn và lãi cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng. Tiêu biểu, tại Nam Định, tổ hợp tác khai thác thủy sản Hoàng Nam có 3 tàu vỏ thép làm nghề lưới rê hoạt động đạt hiệu quả cao, doanh thu khoảng 3,5 tỷ đồng/tàu/năm, lãi trên 1 tỷ đồng/tàu/năm, thu nhập bình quân của thuyền viên trên 8 triệu đồng/người/tháng.
Tại Nghệ An, tàu vỏ thép số NA 97272 TS làm nghề lưới vây ở Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, lợi nhuận của tàu đạt trên 4 tỷ đồng/năm, thu nhập người lao động trên 150 triệu/người/năm. Tàu NA 96678 TS ở Tiến Thủy, Quỳnh Lưu, làm nghề lưới chụp, lợi nhuận năm 2016 đạt khoảng 3 tỷ đồng, thu nhập người lao động đạt trên 140 triệu đồng/người/năm.
Tại Bình Định, có 49 tàu vỏ thép đi vào hoạt động, trong đó, 24 tàu sản xuất đạt hiệu quả khá, lãi khoảng 60-80 triệu đồng/tàu/chuyến, các tàu vỏ thép đạt hiệu quả cao hơn từ 25-30% so với tàu vỏ gỗ. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tàu cá vỏ thép BV-96979-TS của chủ tàu Vũ Văn Sơn đi biển được 15 chuyến, lãi khoảng 300 triệu đồng/chuyến, cao nhất đạt 850 triệu, thuyền viên thu nhập khoảng 15 triệu đồng/người/chuyến (8 người/tàu).
Kiến nghị giải pháp khắc phục tàu vỏ thép hư hỏng tại Bình Định
Theo báo cáo, trong quá trình hoạt động, 18 tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định đã xảy ra sự cố, hư hỏng. Số tàu cá trên do hai công ty đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng. Đây là sự cố đáng tiếc và đang được UBND tỉnh Bình Định và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xem xét, khẩn trương khắc phục để ngư dân tiếp tục ra khơi sản xuất khai thác thủy sản.
Theo đó, về hư hỏng của một số tàu vỏ thép tại tỉnh Bình Định, ngày 2/6/2017, UBND tỉnh Bình Định đã thành lập Tổ thẩm định đánh giá chất lượng, xuất xứ vật tư, trang thiết bị và tính năng hoạt động của vỏ tàu, máy tàu và các trang thiết bị của 18 tàu bị hỏng. Ngày 26/6/2017, UBND tỉnh trực tiếp nghe báo cáo của Tổ thẩm định độc lập và đã có kết luận về vụ việc. Ngày 29/6/2017 UBND tỉnh Bình Định có văn bản số 3317/UBND-TH báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Về phía Bộ NN&PTNT, ngày 9/6/2017, Bộ đã chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị chuyên đề về đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Kết luận Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đánh giá cao và thống nhất với chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định và yêu cầu của các cơ sở đóng tàu và các đơn vị liên đới cần khẩn trương cùng địa phương sớm khắc phục các hư hỏng tàu cá vỏ thép để ngư dân sớm có phương tiện khai thác, không làm ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngư dân.
Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, nhằm sớm khắc phục sự cố đối với các tàu cá vỏ thép, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển; đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục yêu cầu cơ sở đóng tàu thực hiện cam kết, có kế hoạch cụ thể khắc phục các sai phạm. Đồng thời chỉ đạo, tổ chức giám sát việc khắc phục hư hỏng của tàu cá, để sớm đưa tàu cá trở lại hoạt động, giúp ngư dân vươn khơi bám biển.
Giao UBND các tỉnh thành phố ven biển có tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, tổng kiểm tra, rà soát điều kiện của các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP theo quy định pháp luật. Chỉ đạo các cơ sở đóng mới tàu cá có tàu bị hư hỏng chủ động, tích cực làm việc với chủ tàu để rà soát, kịp thời phát hiện hư hỏng (nếu có) và sớm có giải pháp khắc phục. Khẩn trương tổ chức kiểm tra chất lượng các tàu cá vỏ thép đang đóng và đã đi hoạt động để kịp thời khắc phục hư hỏng, chấn chỉnh sai phạm (nếu có) và báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 31/7/2017.
Giao Bộ NN&PTNT, khẩn trương sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến công tác giám sát đóng mới, đăng kiểm tàu cá cho phù hợp với tình hình thực tế. Nghiêm túc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan thuộc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Tiếp tục cử các đoàn công tác phối hợp với UBND tỉnh Bình Định khẩn trương khắc phục các sự cố hư hỏng, sớm đưa tàu cá vào hoạt động sản xuất; phối hợp với các địa phương có tàu cá hư hỏng để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, khẩn trương khắc phục hư hỏng.
Giao Bộ Công an, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu trực thuộc Bộ Công an nghiêm túc khắc phục, sửa chữa các tàu cá bị hư hỏng; không cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu nhận mới các hợp đồng đóng mới tàu cá cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan thẩm quyền. Xem xét đề xuất của UBND tỉnh Bình Định về việc điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong thực hiện hợp đồng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét việc gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ không hoạt động sản xuất. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải ngân vốn tín dụng đối với các chủ tàu cá đang thực hiện đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến giám sát vốn vay đối với tàu cá vỏ thép xảy ra sự cố, có biện pháp chấn chỉnh công tác giám sát vốn vay trong quá trình đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Giao Bộ Tài chính. hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị bảo hiểm tiếp tục thực hiện bảo hiểm tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3412/CV-VPCP ngày 7/4/2017 và công văn số 6150/VPCP-NN ngày 14/6/2017 của Văn phòng Chính phủ; không để tàu cá đóng xong không được giải ngân, không được ra khơi do vương mắc về bảo hiểm./.
BT