Cô Hiền cho biết, bên cạnh việc kiểm tra, rà soát tất cả trường hợp học sinh của nhà trường có học lực chưa được tốt trong những năm qua, bắt đầu ngày đầu tiên (dự kiến thứ Hai ngày 14/2), khi học sinh trở lại học trực tiếp, giáo viên chủ nhiệm phối hợp thầy, cô giáo bộ môn kiểm tra lại kiến thức, trình độ, khả năng năng học tập của tất cả học sinh sau thời gian dài học trực tuyến, nhằm đánh giá đúng thực tế học lực hiện tại của các em để có phương án dạy học phù hợp.
Trường hợp học sinh yếu sẽ được các giáo viên kèm cặp, phụ đạo tại trường. Riêng trường hợp cháu H., ngoài giờ học trên lớp, cô giáo chủ nhiệm sẽ phụ đạo cháu vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật và cô giáo Hiệu trưởng cùng giúp đỡ bổ túc, rèn luyện thêm cho cháu những kiến thức, khả năng đọc và viết vào các giờ ra chơi.
“Đây là sự cố rất buồn song thực tình tôi cảm ơn phóng viên nắm bắt, tìm hiểu và làm rõ sự việc kịp thời. Tôi đã nghiêm túc chấn chỉnh, đối với những học sinh tiếp thu bài học chậm, giáo viên chủ nhiệm phải chủ động báo cáo nhà trường trong các buổi họp chuyên môn để có phương án hỗ trợ các cháu, không được để bất kỳ cháu nào bị bỏ lại phía sau”, cô Hiền nói thêm.
Như Báo CAND đã phản ánh, kết thúc lớp 1 năm học 2019-2020, cháu H không đủ điểm môn Tiếng Việt nên thi lại. Sau 2 lần thi lại, cháu đạt điểm nên lên lớp 2 theo quy định. Tuy nhiên, ngày đầu vào lớp 2, bà ngoại của cháu có đề cập việc xin cho cháu ở lại lớp 1 do không đọc được mặt chữ. Lúc này, lãnh đạo nhà trường và cô Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ nhiệm lớp cũ của cháu có giải thích rằng, cháu H yếu môn tiếng Việt nhưng thi lại lần 2 cháu đạt điểm lên lớp.
Song, sau khi học hết năm lớp 2, cháu H vẫn không thể đọc thông, viết thạo; qua 3 lần thi lại môn tiếng Việt nhưng cháu vẫn không đạt điểm nên ở lại lớp 2. Gia đình cháu bức xúc, phản ánh sự việc trên.