Để có một cách nhìn toàn diện từ nhiều phía, LS đã đề cập đến những vấn đề cụ thể như tố tụng, nội dung quy kết buộc tội… Theo LS, kết quả thẩm vấn tại tòa cho thấy quá trình điều tra và truy tố đối với vụ án này có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng mà Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) đã quy định. Trong đó, trình tự thủ tục giám định lô gỗ trắc nhập khẩu và xuất khẩu nguyên lô theo Tờ khai hải quan số 1505NK-KDB033 mở ngày 17/12/2011 tại Chi cục Hải quan Lao Bảo và Tờ khai hải quan số 849XKKDC32D ngày 19/12/2011 tại Chi Cục Hải quan Cảng Cửa Việt là vi phạm về thẩm quyền giám định, người giám định, và phương pháp giám định.
Các bị cáo tại phiên xét xử ngày 8/8
Những vi phạm này qua hai lần xét xử sơ thẩm, Toà án quyết định trả hồ sơ bổ sung để yêu cầu giám định lại theo Điều 159 BLTTHS nhưng không thể giám định được vì lô gỗ vật chứng không còn. Do vậy, về nguyên tắc khi không thể giám định lại được thì các kết quả giám định trước đó không thể làm căn cứ buộc tội các bị cáo.
Vấn đề thứ thứ hai LS đề cập tới, đó là việc vi phạm nghiêm trọng về việc bán vật chứng theo quy định tại Điều 75 BLTTHS khi không có quy định pháp luật gỗ trắc, giáng hương là hàng hóa vật dụng mau hỏng khó bảo quản, vật chứng trong quá trình điều tra vẫn còn đang tranh chấp giữa doanh nghiệp Trung Quốc, Chính phủ Lào và Công ty Ngọc Hưng thì CQĐT, VKSNDTC không có thẩm quyền để bán vật chứng mà phải chờ bản án có hiệu lực của Toà án.
Mặt khác, có căn cứ pháp lý để khẳng định rằng việc sử dụng kết quả định giá của HĐĐG trong tố tụng hình sự TP Đà Nẵng để bán lô gỗ vật chứng là bất hợp pháp. Bởi lẽ, trong văn bản thẩm định giá ghi rõ chỉ được phép sử dụng cho quá trình điều tra, ngoài ra không được sử dụng vào mục đính nào khác.
Bên cạnh đó, LS còn cho rằng kết quả thẩm vấn công khai tại Tòa chứng minh quá trình điều tra không đầy đủ. Vi phạm Điều 10 BLTTHS vì đã không điều tra các chứng cứ gỡ tội cho các bị cáo mặc dù Tòa án đã 2 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Bằng chứng là tại phiên tòa sơ thẩm lần 3, xuất hiện các chứng cứ mới.
Cụ thể: Theo Hải quan cửa khẩu Lao Bảo xác nhận trong ngày 17/11/2011 có tất cả 19 doanh nghiệp nhập khẩu gỗ, trong đó có hơn 2.000m3 gỗ trắc từ Lào qua Cửa khẩu Lao Bảo, và đều sử dụng hồ sơ các doanh nghiệp bán gỗ tại Lào, tương tự như hồ sơ mà Cty Ngọc Hưng đã sử dụng để nhập khẩu lô gỗ về Việt Nam sau đó xuất khẩu nguyên lô sang Trung Quốc, hoặc bán tại thị trường nội địa, hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba. Tại sao chỉ khởi tố duy nhất lô gỗ của Cty Ngọc Hưng?
Cùng ngày, Cty Ngọc Hưng nhập lô gỗ trắc thứ hai cũng từ doanh nghiệp Lào, hồ sơ thủ tục giống nhau, thông quan vào ngày hôm sau tại Cửa khẩu Lao Bảo cũng là gỗ trắc mà khi khởi tố, cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) kê biên, 2 năm sau có kết luận lô gỗ này không có vi phạm gì. Tại sao cùng một hồ sơ khai báo tương tự cùng qua một cửa khẩu, cùng một công ty, cùng một mục đích xuất khẩu sang nước thứ 3 mà một lô VKSNDTC coi là hàng lậu, còn một lô là hàng không lậu? Câu hỏi này chưa có lời đáp.
Kết quả điều tra, cáo trạng và kết luận của VKS tại Tòa đều không chứng minh được hậu quả của vụ án, nguyên tắc nào để xác định hậu quả của vụ án, thực tế số tiền VKS lấy làm hậu quả đối với các công chức hải quan Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành, Đỗ Danh Thắng đều không có chứng cứ pháp lý vững chắc. Bằng chứng được thể hiện ở việc, VKSNDTC lấy giá trị của lô hàng nhập khẩu và xuất khẩu ở thời điểm bán đấu giá để xác định là hậu quả của vụ án đối với công chức hải quan sau khi khấu trừ phần chênh lệch theo kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (VST&TNSV).
Vấn đề này, bị cáo Thắng khai tại Tòa, nếu tính hậu quả của vụ án đối với công chức hải quan thì không thể tính theo cách tính của VKS mà phải tính trên cơ sở tờ khai Hải quan khi xuất khẩu. Bị cáo Thành và Nhi lại khẳng định trước Tòa nếu tính hậu quả của vụ án là nghiêm trọng hay không nghiêm trọng, giả sử trong trường hợp kết quả giám định lần 2 VST&TNSV là đúng thì hậu quả phải xác định là lấy kết quả giám định trừ đi tờ khai xuất và nhập của Cty Ngọc Hưng để từ đó tính ra hậu quả.
Trong khi đó, bị cáo Liệu xác định rằng vụ án này không có hậu quả vì hàng nhập khẩu hợp pháp, thuế GTGT được hoàn và miễn thuế xuất khẩu. Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C46) lại xác định để có căn cứ xác định hậu quả vụ án cần phải có giám định chuyên môn về thuế để xác định lô hàng này có gây thất thu thuế cho Nhà nước hay không. Nếu thất thu thì thất thu bao nhiêu để có cơ sở xác định hậu quả vụ án. Như vậy, trong những cách tính nêu trên cách tính nào là đúng thì vẫn chưa có đáp án cụ thể.
Một vấn đề cần được lưu ý trong vụ án này, đó là cái chết của ông Trần Đình Quang, một nhân chứng quan trọng nhất của vụ án còn là một dấu hỏi chưa có câu trả lời. Có hay không việc bức cung, mớm cung của cán bộ điều tra trực tiếp điều tra vụ án làm cho ông Quang xấu hổ với người thân, bức xúc với việc làm của cán bộ điều tra nên tự tử? Hiện tại ai là người đã giữ 3 bản chính của di thư mà ông Quang để lại trước khi tự tử?
Về nội dung cáo trạng và kết luận của VKS tại Tòa quy kết các bị cáo Liệu, Dung phạm tội buôn lậu. Thành, Nhi, Thắng phạm tội thiếu trách nhiệm là không đúng sự thật của vụ án và quy định pháp luật.
Cụ thể, không có việc Cty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ nhập khẩu và xuất khẩu như cáo buộc của VKS, và vấn đề này được chứng minh bằng các chứng cứ như: Kết quả giám định của Bộ Công an xác định chữ ký và con dấu của đối tác Lào là có thật; tờ khai hải quan không thể làm giả; vận đơn là chứng từ vận tải đường biển do chủ tàu cấp sau khi đã thỏa thuận vận chuyển hàng hóa với hãng tàu. Cty Ngọc Hưng không thể làm giả hóa đơn thương mại, lý lịch gỗ là những chứng từ bên bán cung cấp, Cty Ngọc Hưng cũng không thể làm giả chữ ký và con dấu.
Mặt khác, theo quy định của Luật Thương mại, Luật Dân sự của nước CHXHCN Việt Nam, pháp luật không nghiêm cấm việc các đối tác trong quan hệ kinh doanh thương mại giúp đỡ nhau để hoàn thành thủ tục mua bán và thủ tục hải quan theo quy định của mỗi nước khi xuất và nhập khẩu hàng hóa.
Lô gỗ có nguồn gốc nhập khẩu từ Lào không phải là gỗ lậu, bởi lẽ: Xác nhận của Bộ Công Thương gỗ trắc và gỗ giáng hương theo quy định của pháp luật của Việt Nam không phải cấm nhập cấm xuất khẩu; xác nhận của Cục Hải quan Quảng Trị, Chi cục Hải quan Lao Bảo, Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt đều xác nhận tại Tòa mặt hàng gỗ trắc và giáng hương, việc mua bán giữa Lào và Việt Nam được coi như các mặt hàng thông thường khác, không có sự hạn chế nào. Cùng thời điểm Cty Ngọc Hưng nhập khẩu lô hàng gỗ trắc này, nhiều Doanh nghiệp Viêt Nam đã nhập khẩu-xuất khẩu đúng trình tự thủ tục như Cty Ngọc Hưng đều được thông quan tại Cửa khẩu Lao Bảo và các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam coi là hợp pháp.
Lô hàng nhập khẩu bị coi là hàng lậu theo Tờ khai hải quan số 1505 của Cty Ngọc Hưng theo xác nhận của cơ quan Thuế đã hoàn thành nghĩa vụ thuế GTGT theo quy định. Theo LS, trên thế giới cũng như tại Việt Nam chưa có một trường hợp nào đối với hàng hóa cấm nhập khẩu-xuất khẩu đã kê khai thuế ở cửa khẩu nhập mà bị coi là hàng lậu. Và Cty Ngọc Hưng có lẽ là trường hợp duy nhất. Không chỉ vậy, Cục CSĐT Kinh tế Bộ Công an (C46) đã có văn bản trả lời Tổng cục Hải quan và lãnh đạo Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định không phải là hàng lậu. Chính Cục Hải quan Quảng Trị, Chi cục Hải quan Lao Bảo, Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt, Cục Hải quan Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng đã xác định trước Tòa không phải là hàng lậu.
LS khẳng định thêm, VKSNDTC đã có sự nhầm lẫn trong việc xác định trách nhiệm của nhân viên hải quan kiểm hóa là Thành và Nhi. Đây là 2 công chức thuộc Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt được phân công giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng xuất khẩu, nguyên lô từ hàng nhập khẩu hợp pháp đã được thông quan tại Cửa khẩu Lao Bảo trước đó 2 ngày.
Cụ thể: Trách nhiệm của cán bộ kiểm hóa chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ được giao theo lệnh hình thức mà Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa Việt ký. Theo đó đã ấn định mức độ kiểm tra đối với lô hàng xuất khẩu theo tờ khai hải quan 489 là 5% trên tổng số hàng hóa kê khai. Công chức hải quan theo lệnh hình thức này thì đã thực hiện một cách đầy đủ theo Quyết định 171/TCHQ, điều này đã được chứng minh bằng các bản ảnh được cung cấp tại Tòa. Trong trường hợp này, cho dù vật chứng đã bán bất hợp pháp trước đó nhưng các bản ảnh vẫn thể hiện dấu kiểm hóa theo quy định trên các thanh gỗ đã được kiểm hóa. Kết quả điều tra và cáo trạng của VKS cũng không xác định được công chức hải quan kiểm hóa có sai sót trong việc kiểm hóa 5% theo lệnh hình thức.
Ngoài ra, VKS cho rằng 22 container không có mặt tại Cảng Cửa Việt tại thời điểm kiểm hóa là không có căn cứ. Trong trường hợp nếu 22 container không có tại cảng Cửa Việt thì làm sao có 22 seal của hải quan để niêm phong các container này chuyển khẩu cho Hải quan cảng Đà Nẵng? Nếu không có mặt tại cảng Cửa Việt thì làm sao có xác nhận giám sát của đồn biên phòng đối với các phương tiện này khi ra vào cảng; Biên bản bàn giao giữa Hải quan Cảng Cửa Việt và Đồn biên phòng cũng xác nhận 22 container có mặt tại cảng. Văn bản đã trích dẫn của Cục Hải quan Quảng Trị, lời trình bày của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt tại Tòa đều xác định, 2 công chức hải quan hoàn thành tốt nhiệm vụ không thiếu trách nhiệm như cáo trạng của VKSTC. Không chỉ thế, Cơ quan điều tra, VKS cũng không chứng minh được số seal niêm phong cho 22 container này nếu không niêm phong tại Cảng Cửa Việt thì niêm phong ở đâu, do ai niêm phong.
Theo LS, chính vì cho rằng đã có sự vi phạm tố tụng nên có thể kết luận rằng vụ việc hoàn toàn không có dấu hiệu hình sự, việc khởi tố, bắt tạm giam, truy tố đối với các bị cáo về tội buôn lậu và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không có căn cứ pháp luật, là hình sự hóa các quan hệ kinh doanh thương mại quốc tế. LS tiếp tục đề nghị HĐXX tuyên tất cả các bị cáo không phạm tội như cáo trạng VKSNDTC truy tố, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho họ theo quy định pháp luật.
Đối đáp các quan điểm bào chữa của các LS và bị cáo, đại diện VKSND TP Đà Nẵng thừa ủy quyền của VKSNDTC thực hiện quyền công tố tại phiên tòa vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị cáo. Theo đó, VKS khẳng định trong quá trình phiên tòa diễn ra, VKS không hề nói lô hàng này không phải từ Lào về Việt Nam mà chỉ nói lô hàng này không phải xuất xứ từ Cty chế biến nội thất Lào. Tính đến thời điểm này, VKS cũng chỉ dựa nên những chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, trong đó kết luận được C44 Bộ Công an thu thập hợp pháp theo trình tự tố tụng nên đó là chứng cứ của vụ án. Đối với nội dung các LS và bị cáo trình bày có nhục hình, bức cung đối với Trần Đình Quang, VKS cho biết Bộ Công an cũng đã có trả lời "không có xảy ra việc này", vì vậy VKS cũng chỉ căn cứ vào đó chứ không biết căn cứ vào đâu.
Nói về tang vật vụ án và giá của tang vật vụ án, VKS giải thích chỉ có thể căn cứ vào hợp đồng mua bán giữa hai bên, Cty Ngọc Hưng khai với giá 1,5 triệu USD, quá trình giám định và giá được làm tròn là 63 tỷ đồng. Do vậy, không có cơ sở để cho rằng số gỗ nói trên có trị giá hơn 300 tỷ đồng như các LS và bị cáo trình bày.
Đối với lô hàng nhập khẩu cùng ngày, VKS cho rằng chỉ mới có kết luận đối với lô hàng trong vụ án này còn lô hàng khác không có trong tài liệu nên không chứng minh được. VKS khẳng định trong vụ án này, bị cáo Liệu và Dung đã tạo dựng bộ hồ sơ không đúng sự thật, giá trị lô gỗ nhập về và xuất đi là 63 tỷ đồng.
Theo đó, các bị cáo này đã lập tờ khai hải quan không đúng, khai báo lô hàng không đúng về chủng loại, số lượng. Tại phiên tòa lần này còn thiếu một số tài liệu trong hồ sơ vụ án, không có giám định viên để giải đáp những vấn đề HĐXX yêu cầu làm rõ mà VKS không có chuyên môn để trả lời; thiếu bút lục lời khai của Trần Đình Quang… Vì các lẽ trên, VKS đề nghị HĐXX trả hồ sơ cho VKSNDTC yêu cầu C44 Bộ Công an điều tra bổ sung.
Tiếp tục đối đáp lại với những quan điểm của đại diện VKS, các LS đồng quan điểm không chấp nhập đề nghị nêu trên. Theo đó, các LS cho rằng vụ án kéo dài, đã 2 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, căn cứ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, các lời khai tại Tòa của các bị cáo không có cơ sở để buộc tội. Chính vì vậy, LS đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử và tuyên các bị cáo vô tội.
Bị cáo Liệu tiếp tục có ý kiến đối đáp, theo đó bị cáo đưa ra những tài liệu, chứng cứ để chứng minh bản thân vô tội. Thậm chí, trong phần trình bày của mình, bị cáo cho hay, các cơ quan tố tụng cho rằng bị cáo làm giả tài liệu hồ sơ nhưng trên thực tế và qua phiên tòa này, càng xét hỏi, càng chất vấn thì càng cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng đang cố tình làm giả hồ sơ tài liệu để cố tình buộc tội bị cáo.
Bị cáo cho rằng, không biết đại diện VKS không hiểu hay cố tình không hiểu khi viện dẫn kết luận của VST&TNSV để làm căn cứ trong vụ án. Nói về giá trị lô gỗ, bị cáo Liệu bác hoàn toàn quan điểm của đại diện VKS, cụ thể bị cáo Liệu lập luận việc làm hợp đồng mua bao nhiêu nhưng khi bán đi giá trị bán ra bao nhiêu là quyền của Cty Ngọc Hưng. Thậm chí, bị cáo Liệu khẳng định, bị cáo có đầy đủ chứng cứ, căn cứ chứng minh lô gỗ của Cty Ngọc Hưng có giá trị hơn 300 tỷ đồng để cung cấp cho HĐXX. Chính vì vậy, VKS lập luận cho rằng giá trị lô gỗ chỉ dừng lại con số 63 tỷ đồng là không đúng.
Cũng theo ý kiến của bị cáo Liệu, đến nay việc thiếu mặt giám định viên và thậm chí lời khai của Quang còn thiếu trong hồ sơ vụ án cũng không còn quan trọng nữa vì không hề ảnh hưởng đến bản chất của vụ việc. Vì vậy bị cáo đề nghị HĐXX tiếp tục phiên tòa, không chấp nhận đề nghị trả hồ sơ của VKS.
Tại Tòa, ngoài việc trình bày những chứng cứ chứng minh vô tội, bị cáo Liệu còn thể hiện tâm tư nguyện vọng của mình trong vụ án. “Bị cáo thấy đau cho nỗi đau của chính một công dân Việt Nam. Vụ án này thực sự đang làm oan người vô tội, làm nát tan gia đình bị cáo, người thân ruột thịt bỏ mạng, thử hỏi có nỗi đau nào bằng. Bị cáo đề nghị HĐXX nếu có đầy đủ chứng cứ xác đáng để buộc tội bị cáo thì hãy tuyên án. Nếu thực sự có tội, bị cáo sẽ nhận tội rồi đi tù và có ngày về đoàn tụ với gia đình. Còn trong trường hợp này không có cơ sở để buộc tội thì phải tuyên bị cáo vô tội và trả lại danh dự cho bị cáo và gia đình”, bị cáo Liệu trình bày trước Tòa.
Hôm nay, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận, nghị án và tuyên án.