Vụ án kéo dài 7 năm ở Quảng Trị: Giám định nâng số lượng gỗ lên, chênh với nhập khẩu 78m3 

Vụ án “Buôn lậu” và “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL) – Tổng cục Hải quan khởi tố ngày 6.4.2012 (sự việc bắt đầu từ tháng 12.2011), đến nay đã gần 7 năm vẫn chưa kết thúc. 5 bị can trong vụ án gồm 2 doanh nhân và 3 cán bộ hải quan vẫn mòn mỏi kêu oan. Tiếp tục điều tra từ hồ sơ vụ án, phóng viên Lao Động phát hiện thêm nhiều dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ việc, biến một thương vụ nhập khẩu gỗ đúng pháp luật thành vụ án buôn lậu.

“Chưa có chứng cứ bỏ thêm gỗ vào 22 container”

Ngày 17.12.2011, Cty Ngọc Hưng (trụ sở tại thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 1505/NK/KD/BO33 nhập khẩu 535,800m3 gỗ trắc từ Lào vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Lao Bảo; và đã được Hải quan kiểm tra, thông quan. Cty Ngọc Hưng đã nộp thuế GTGT 3,246 tỉ đồng.

Ngày 19.12.2011, Cty Ngọc Hưng xuất khẩu nguyên lô gỗ này sang Hồng Kông – Trung Quốc. Tại cảng Đà Nẵng, lô gỗ bị Cục ĐTCBL chặn lại và sau đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 5 người gồm: Vợ chồng doanh nhân Trương Huy Liệu – Trần Thị Dung (Cty Ngọc Hưng) về tội buôn lậu và Đỗ Danh Thắng (Hải quan Đà Nẵng), Lê Xuân Thành và Đỗ Lý Nhi (Hải quan Quảng Trị) về tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ án đã được Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử 2 lần, nhưng cả hai lần đều trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, và mãi cho đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử lại. Tại Bản kết luận điều tra bổ sung lần 2 số 25/KLĐTBS-C44 (P4) ngày 13.3.2015 của C44 – Bộ Công an khẳng định: “Kết quả điều tra cho đến nay chưa có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện việc Cty Ngọc Hưng bỏ thêm gỗ trắc, gỗ giáng hương (từ rừng tự nhiên của Việt Nam – PV) vào 22 container thuộc tờ khai xuất khẩu số 849/XK/KD/C32D ngày 19.12.2011”.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ Công Thương (VN) thì lô gỗ 535,800m3 nói trên của Cty Ngọc Hưng đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu hợp pháp, xuất khẩu hợp pháp (gỗ có xuất xứ từ Lào; đã thực hiện đầy đủ các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu của VN; khai báo và nộp thuế đầy đủ). Do vậy, nếu không có căn cứ về việc Cty Ngọc Hưng bỏ thêm gỗ có nguồn gốc tự nhiên từ rừng VN sau khi nhập khẩu từ Lào về thì không có cơ sở để kết luận Cty Ngọc Hưng buôn lậu gỗ.

Vi phạm hành chính, không phải vi phạm hình sự

Cục ĐTCBL (Tổng cục Hải quan) ban hành “Quyết định khởi tố vụ án hình sự” số 02/ĐTCBL-QĐ ngày 6.4.2012 khởi tố Cty Ngọc Hưng tội buôn lậu với cáo buộc “Cty Ngọc Hưng xuất khẩu gỗ không có nguồn gốc hợp pháp”. Hồ sơ vụ việc này cho thấy, gỗ mà Cty Ngọc Hưng xuất khẩu chính là lô gỗ do Cty này nhập khẩu từ Lào. Ngày 19.11.2012, C44 ra “Quyết định khởi tố bị can” đối với Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung (Cty Ngọc Hưng) với cáo buộc “Đã có hành vi không khai báo so với tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, khối lượng gỗ khi xuất khẩu”. Về cáo buộc này, ông Trương Huy Liệu cho rằng, thực tế lô gỗ không hề có chuyện khai sai, gian dối, nhưng giả sử có chuyện đó thì cũng chỉ bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính.

Ông Liệu viện dẫn Điều 9 “Vi phạm về khai hải quan và khai thuế” Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18.2.2009 của Chính phủ quy định: “Xử phạt đối với hành vi không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp (…) ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định, người nộp thuế còn bị phạt 10% số tiền thuế khai thiếu (…) nếu có một trong các hành vi: Không khai hoặc khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, chất lượng, trị giá, mã số hàng hóa, thuế suất, xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu”. Như vậy, hành vi “không khai so với tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng gỗ khi xuất khẩu” là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan chứ không phải là hành vi vi phạm hình sự.

Ai đã nâng số lượng gỗ lên thêm 78m3?

Viện Sinh thái – Tài nguyên – Sinh vật (ST-TN-SV) thuộc Viện Khoa học và Công nghệ VN đã thực hiện giám định lô gỗ nói trên của Cty Ngọc Hưng sau khi bị tịch thu theo đề nghị của Cục ĐTCBL (Tổng cục Hải quan) tại Công văn số 57/ĐTCBL ngày 3.2.2012.

Theo đó, kết quả đã có “Biên bản kết luận giám định” ghi rõ: “Lô hàng gỗ do Cục ĐTCBL – Tổng cục Hải quan trưng cầu giám định gồm 413,598m3 gỗ trắc và 21,506m3 gỗ giáng hương; tổng cộng 435,104m3)”. Cũng chính lô gỗ này, và cũng chính cơ quan giám định nêu trên, vào ngày 26.11.2012 đã ban hành “Kết luận giám định” số 783/STTNSV, khẳng định: “Toàn bộ lô gỗ xuất khẩu của Cty Ngọc Hưng là 614,672m3”.

Ông Trương Huy Liệu trong đơn kêu oan gửi đến Ban Dân nguyện Quốc hội đề ngày 12.7.2017 đã đặt câu hỏi: Tại sao cùng một lô hàng hóa, cùng một cơ quan giám định, cùng một người ký kết luận giám định là Tiến sĩ Đặng Thế Tất mà lại có hai con số kết quả khác nhau, chênh lệch nhau đến gần 80m3 gỗ? “Họ đã vin vào con số chênh lệch đó để kết luận tôi buôn lậu gỗ. Nhưng cả hai kết quả giám định đó đều sai. Con số 535,800m3 gỗ trên cả hồ sơ nhập khẩu và xuất khẩu mà Cty tôi đã nộp thuế là đúng pháp luật” – ông Liệu khẳng định

535 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1915
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1915
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76446327