VPCP cùng Bộ Nội vụ và Truyền thông, Văn phòng Nội các Nhật Bản ký ghi nhớ hợp tác 

(Chinhphu.vn) - Chiều 7/8, tại Tokyo, Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản và Văn phòng Nội các Nhật Bản đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và
Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) Masatoshi Ishida - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) Masatoshi Ishida trước khi diễn ra lễ ký kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng gửi lời cảm ơn trân trọng tới ông Masatoshi Ishida và cộng sự đã dành sự đón tiếp nồng hậu cho Đoàn công tác Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất ủng hộ các các sáng kiến của Thủ tướng Abe tại Hội nghị: Tiến trình Osaka về kinh tế số và Sáng kiến lưu chuyển và quản trị dữ liệu gắn với An toàn và Tin cậy - DFTS.

Vì vậy, mục đích chính chuyến thăm Nhật Bản lần này của Đoàn công tác VPCP là tìm hiểu kinh nghiệm của Nhật Bản trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số (xã hội 5.0), đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác của VPCP với các cơ quan, tổ chức của Nhật Bản. Trong thời gian công tác tại Nhật Bản, Đoàn công tác đã gặp Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide; Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt Nikai Toshihiro; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Toshiko Abe; Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Shinichi Kitaoka, tham dự các hội thảo chuyên đề về cải cách hành chính, xây dựng chính phủ số.

Bộ trưởng MIC Masatoshi Ishida vui mừng vì mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tin tưởng hai nước còn rất nhiều lĩnh vực có thể tiếp tục hợp tác trong thời gian tới.

"Chúng tôi mong muốn hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực để góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản", Bộ trưởng MIC Masatoshi Ishida nhấn mạnh.

 

Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam - 
Ảnh: VGP/Gia Huy

Lễ ký kết có sự tham dự của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng MIC Masatoshi Ishida; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam; đại diện Văn phòng Nội các Nhật Bản...

Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) giữa 3 cơ quan được ký giữa VPCP do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đại diện; Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản do Bộ trưởng Masatoshi Ishida đại diện và Văn phòng Nội các Nhật Bản do Bộ trưởng phụ trách CNTT Takuya Hirai đại diện.

Thay mặt cho hai cơ quan là Văn phòng Nội các Nhật Bản và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Masatoshi Ishida và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số là xu hướng tất yếu và đang diễn ra sôi động tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ.

Nhận thức xu hướng và dư địa để phát triển kinh tế, nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn cách tiếp cận này và thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.

 

Ảnh: VGP/Gia Huy

Để việc triển khai Chính phủ điện tử hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử, với quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”.

Việt Nam đang quyết tâm xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Một trong những yếu tố khích lệ quyết tâm này của chúng tôi chính là sự hợp tác, chia sẻ của bạn bè quốc tế. Trong khuôn khổ mối quan hệ hợp tác vô cùng thân tình, tốt đẹp giữa hai chính phủ Nhật Bản và Việt Nam, thông qua sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của JICA đã mang đến kết nối giữa Văn phòng Chính phủ với Văn phòng Nội các Nhật Bản, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chia sẻ, với việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về triển khai Chính phủ điện tử giữa VPCP và Bộ Nội Vụ và Truyền thông Nhật Bản, Văn phòng Nội các Nhật Bản, đây cũng là nội dung nhằm hiện thực hóa kết quả hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản vào ngày 1/7/2019 và việc Việt Nam ủng hộ triển khai Tuyên bố Osaka về tiến trình kinh tế số trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng 6/2019.

Bản ghi nhớ được ký kết giữa Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản và Văn phòng Nội các Nhật Bản về triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam là dấu ấn thể hiện sự nỗ lực, cam kết mạnh mẽ và mong muốn hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP tin tưởng với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ, hiệu quả của bạn bè quốc tế nói chung, của Chính phủ Nhật Bản nói riêng, trực tiếp là Bộ Nội vụ và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, JICA…, Việt Nam sẽ có những bước đi vững chắc trong triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện hóa phương châm 12 chữ vàng của Chính phủ Việt Nam: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản.

Bản ghi nhớ được ký kết với mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực Chính phủ điện tử để thúc đẩy cải cách hành chính tại Việt Nam. Các bên sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng khung pháp lý, thể chế và các thực tiễn tốt nhất khác cho Chính phủ điện tử; nâng cao năng lực của các bộ quản lý CNTT và sử dụng hệ thống thông tin của Chính phủ điện tử.

Các bên sẽ xem xét thúc đẩy hợp tác theo Bản ghi nhớ hợp tác thông qua các phương thức như: Cử các chuyên gia và các đoàn làm việc với nhau; tổ chức hội thảo, hội nghị và hội thảo đào tạo. Mỗi hoạt động theo Bản ghi nhớ này sẽ được thực hiện dựa trên sự đồng ý lẫn nhau trong giới hạn của luật pháp quốc gia tương ứng và các thỏa thuận quốc tế mà Nhật Bản và Việt Nam là các bên tham gia.

Gia Huy

395 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1182
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1182
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87084500