VPA/FLEGT: Cuộc chơi sòng phẳng của ngành công nghiệp gỗ Bài 1: Nguyên liệu gỗ: Không còn “hàng chợ” 

(Chinhphu.vn) – Sản xuất đồ gỗ nội địa và xuất khẩu hiện nay đã dùng nguồn nguyên liệu là “gỗ sạch”. Kết quả này có được bắt nguồn từ chính sách đóng cửa rừng tự nhiên và yêu cầu truy xuất nguồn gốc nguyên liệu gỗ.

 

Gỗ rừng trồng được chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho xuất khẩu - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Gỗ “sạch” từ làng nghề

Đến làng nghề Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội – một trong những “nôi” sản xuất đồ gỗ tại miền Bắc những ngày này, không khí sản xuất đang gấp rút, khẩn trương để hoàn thiện những đơn hàng cuối cùng của năm.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã Hữu Bằng cho hay, hiện nay tại xã có 42 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đồ gỗ. Lượng sản phẩm đồ gỗ từ địa phương này đang cung ứng cho khoảng 50% thị trường cả nước và một lượng lớn xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc. Nghề gỗ chiếm hơn 70% cơ cấu kinh tế tại xã này, bình quân thu nhập đầu người năm nay theo xã ước tính khoảng 57 triệu đồng/ người/ năm.

Với lượng sản xuất này, nhu cầu tiêu thụ gỗ nguyên liệu rất lớn, theo ông Tuấn cho biết trước đây chủ yếu nguồn cung gỗ từ Lào nhưng hiện nay không đủ nữa mà phải nhập khẩu (NK) gỗ từ các nước châu Phi và khối EU về để gia công, sản xuất.

Là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trên địa bàn xã Hữu Bằng, ông Nguyễn Duy Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát chia sẻ: “Mỗi năm làng nghề này tiêu thụ khoảng 300.000 m3 gỗ nguyên liệu. Nguồn gỗ này hoàn toàn hợp pháp vì đa số là nhập khẩu. Hàng NK đòi hỏi giấy tờ và kiểm soát rất chặt chẽ”.

Lý giải thêm về nguồn nguyên liệu nhập khẩu, ông Vinh cho biết do sự phát triển của thị trường nên nguồn nguyên liệu trong nước hiện chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất. “Trước đây có nhập gỗ Lào, Campuchia nhưng giờ phải mở rộng NK gỗ trong khối EU mới đủ sản xuất. Gỗ từ EU giá không chênh nhiều, tính hợp pháp cao, chất lượng đồng đều, cả khu vực này NK cùng nguồn nên cũng hình thành được giá sàn sản xuất”, ông Vinh cho biết thêm lợi ích từ việc NK gỗ nguyên liệu từ EU.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 300 làng nghề gỗ đang hoạt động với hàng chục nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động, bao gồm lao động trực tiếp từ các hộ và lao động thuê từ bên ngoài, đang làm việc tại đây. Tại vùng đồng bằng sông Hồng có 5 làng nghề gỗ lớn là Đồng Kỵ, La Xuyên, Vạn Điểm, Hữu Bằng và Liên Hà. 

Không chỉ riêng làng nghề gỗ tại xã Hữu Bằng có những chuyển biến tích cực trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp. Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong những năm vừa qua đã có những tín hiệu rõ ràng thể hiện sự dịch chuyển trong việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu trong các làng nghề gỗ theo hướng thân thiện về môi trường.

Đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp mang tính chất sống còn của DN - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

…đến khu công nghiệp

Đến thủ phủ của ngành gỗ Việt Nam tại Bình Dương cũng không còn thấy cảnh gỗ tấm lớn được mang ra sản xuất như nhiều năm trước đây. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết: “Hiện nay, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, Đức, Italy và Ba Lan về doanh số XK gỗ và sản phẩm gỗ. Là nơi chủ yếu sản xuất gỗ để xuất khẩu nên cạnh tranh sản xuất ở Bình Dương hết sức khốc liệt, chính điều này làm cho DN cũng thay đổi mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp hóa”.

Việc sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp ở đây là cốt lõi để DN tồn tại. Ông Hiệp lý giải: “Giá gỗ rừng trồng cao su, tràm là 400 USD/khối, trong khi gỗ quý (chủ yếu là gỗ rừng tự nhiên) lên đến 1.000-3.000 USD/khối, nếu sản xuất bằng gỗ tự nhiên thì không thể XK được. Trong khi đó, thị trường EU và Mỹ tuyệt đối không dùng loại này, dùng là phạm luật”.

Cũng vì việc sử dụng gỗ hợp pháp có tính chất “sống còn” cho DN nên hầu hết các DNXK gỗ đang nỗ lực hết sức để kiểm soát nguồn nguyên liệu nhập khẩu của chính mình và đồng thời bày tỏ mong mỏi việc tăng cường kiểm soát nguyên liệu gỗ từ các cơ quan chức năng. “Hiện nay, cơ chế kiểm soát người tiêu thụ gỗ còn lỏng lẻo mà tập trung chính vào kiểm soát người sản xuất. Thực tế, các DN vào Hiệp hội có ý thức pháp luật rất tốt, bởi đó là “sinh mệnh” của DN”, ông Hiệp nêu vấn đề.

Ông Hiệp hiện đang là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát (MIFACO). DN của ông hiện đang XK 100% sang thị trường Mỹ. Ông Hiệp cho biết, để XK được sang thị trường này, DN phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tính hệ thống, nguyên tắc và tuân thủ. Tuy nhiên, để có thể tránh được việc kiểm soát bán phá giá, các DN như của ông Hiệp cũng phải đa dạng thị trường XK, một trong những thị trường tiềm năng nhất các DN đang hướng tới đó là EU.

Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và VPA/FLEGT thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU chính thức ký kết mới đây sẽ mở ra cơ hội lớn thúc đẩy XK gỗ vào thị trường EU. Nhưng đi kèm với đó là những yêu cầu về thực hiện chính sách hết sức nghiêm ngặt của các đối tác. Những chuyển động từ thị trường nguyên liệu gỗ báo hiệu cuộc chơi lớn đã chính thức bắt đầu.

Đỗ Hương

436 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1233
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1234
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87226167