Vốn cho DN nhỏ: Lòng tin phải xây dựng từ hai phía 

(Chinhphu.vn) - Thiếu chiến lược đầu tư dài hạn, ưa thích vốn tự có, chưa đủ điều kiện vay vốn… là những lý do khiến doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng.
Hình ảnh tại buổi tọa đàm. Ảnh: VGP

Đây là nội dung được trao đổi tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các DN tư nhân” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 26/7.

Nhiều chương trình nhưng nút thắt vẫn còn

Thời gian qua, kinh tế tư nhân, nhất là DN tư nhân đã phát triển mạnh trên nhiều phương diện và đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và vùng miền. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP, thu hút khoảng 51% lực lượng lao động của cả nước. Phải ghi nhận, gần đây, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có nhiều biện pháp tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng. Nhưng kinh tế tư nhân vẫn “chưa lớn” và đang phát triển dưới mức tiềm năng. Trong đó, việc tiếp cận vốn tín dụng của DN tư nhân vẫn gặp rất nhiều khó khăn do những điều kiện vay vốn, tài sản thế chấp, báo cáo tài chính...

Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, từ đầu năm 2017, NHNN đã thực hiện đặt lãi suất trần cho các lĩnh vực ưu tiên, tổ chức nhiều chương trình kết nối giữa ngân hàng và DN,… Các TCTD cũng đã chủ động đưa ra một số chương trình ưu đãi cho các DN vừa và nhỏ (SME) như: Vietcombank cho vay USD với quy mô 23 triệu USD lãi suất từ 3-4%/năm; ngân hàng Bản Việt có chương trình “Kết nối Bản Việt - SME” với quy mô lên đến 600 tỷ đồng hay ABBank có chương trình “SME top- up” cho vay tín chấp tới 3 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của SME đạt 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 6,5% so với năm 2016. Có khoảng 200.000 khách hàng còn dư nợ, tăng 10.500 khách hàng so với năm 2016.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, DN tư nhân và SME vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vay vốn ngân hàng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho DN mà còn cho chính bản thân ngân hàng bởi nếu huy động mà không cho vay thì thị phần giảm, doanh thu giảm…

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên nhân chưa tiếp cận được vốn ngân hàng là do DN tư nhân chưa có chiến lược đầu tư dài hạn nên có xu hướng ưa thích sử dụng vốn tự có; lãi suất vay ngân hàng còn cao; và đơn giản là DN tư nhân không có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, có khoảng 70% DN tư nhân không tiếp cận được vốn mặc dù đã có nhiều chính sách tăng trưởng tín dụng cho khu vực này. Những DN tư nhân, SME không tiếp cận được vốn ngân hàng khi có nhu cầu đầu tư lại phải tìm đến những nguồn vốn ngoài vốn tự có như vay người thân và vay ngoài với lãi suất và rủi ro cao. Nếu vốn từ kênh ngân hàng chậm được khơi thông thì DN tư nhân không tăng trưởng được.

Xây dựng lòng tin từ hai phía

Ông Tô Hoài Nam nhận định, thực tế, ngân hàng không thiếu vốn nhưng lại thiếu niềm tin với DN tư nhân và đây là vấn đề cốt lõi. Chính sách của ngân hàng quá thận trọng và theo hướng DN phải thay đổi chứ không tự mình thay đổi. Cán bộ ngân hàng không dám quyết định có thể vì lo ngại bị hình sự hoá trong một số trường hợp.

Trong khi đó, DN tư nhân lại không chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh của phương án vay vốn; báo cáo tài chính không theo chuẩn quy định của ngân hàng; nguồn vốn đối ứng và giá trị tài sản thế chấp thấp.

Thực tế, tỷ lệ nợ xấu của DN tư nhân thấp hơn rất nhiều so với các loại hình DN khác. Điều này cho thấy đây là thị trường có tiềm năng mở rộng tín dụng đối với các ngân hàng. Ông Nam cho rằng, các ngân hàng cần thay đổi tư duy về vấn đề này để có những chiến lược tiếp cận phù hợp hơn.

Các ngân hàng nên thiết kế lại các điều kiện cho DN tư nhân vay, hướng dẫn các DN những thủ tục vay theo chuẩn ngân hàng. DN tư nhân cũng cần có những hỗ trợ từ Nhà nước như tăng hạn mức bảo lãnh, tạo cơ chế sản phẩm đặc thù, cho vay tín chấp…

Để cải thiện tình hình trên, các chuyên gia tại tọa đàm đều cho rằng, cần phải thay đổi nhận thức của cả ngân hàng và DN cũng như phải có giải pháp để hai bên tin tưởng nhau, minh bạch và chuyên nghiệp hóa trong hoạt động.

Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, bản thân các DN tư nhân nên mạnh dạn liên kết với nhau, thực hiện mua bán, sáp nhập để nâng cao vị thế, tự khẳng định mình để đáp ứng nhu cầu cho vay của ngân hàng.

Thực tế, ngân hàng cũng là những tổ chức kinh doanh vì lợi nhuận, họ không dễ cho vay những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, nếu thật sự lành mạnh, các DN có thể mở rộng các kênh huy động vốn khác như cổ phần hóa vốn trên thị trường chứng khoán.

Về phía ngân hàng, theo ông Phong, nên tập trung phát triển tín dụng theo chuỗi để bảo đảm kiểm soát rủi ro tốt hơn. Đồng thời, các ngân hàng cần nghiên cứu “nới” các quy định về tài sản, cho vay tín chấp, nhất là đối với các DN mới khởi nghiệp.

Huy Thắng

571 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1081
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1081
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87123575