Vợ chồng ngư dân vượt khó, nuôi 6 con học thành tài 

Do thời buổi chiến tranh không có điều kiện học hành nhiều, vợ ông Phan Tấn Lợi ( Sn 1958), bà Phạm Thị Nhớ (Sn 1966), ở thôn Hà Lợi Tây, xã biển bãi ngang Gio Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị, sau này đã quyết chí nuôi 6 con của mình ăn học thành tài.

Gia đình ông Lợi, bà Nhớ được cả tỉnh Quảng Trị biết đến bởi tấm gương điển hình về giáo dục. Nhà ông bà ở đầu làng, giáp ranh cuối làng Diêm Hà cạnh trụ sở UBND xã Gio Hải. Khi tôi đến, ông bà đang cặm cụi bên những bể lọc nước mắm truyền thống, đóng chai xuất đi bán các tỉnh, thành trong nước. 

Hỏi chuyện vượt khó, ông Lợi trầm ngâm kể lại: “Vợ chồng tui lấy nhau năm 1984, một năm sau thì sinh con, rồi lần lượt cứ 2 năm một 5 đứa nữa ra đời, khó khăn không thể nói hết. Hàng ngày, tui thức dậy lúc 3h sáng để đi biển, đến chiều tối mới về; vợ thì ở nhà vừa chăm con vừa làm thêm nông nghiệp. 

Nhưng con cá con tôm, hạt lúa củ khoai làm ra cũng chỉ đủ cái ăn trong ngày. Cực quá nên tui bỏ biển, đi học nghề thợ may. Nhưng rồi về may được năm bữa nửa tháng thì phải bỏ nghề vì không có khách. Sau đó, tui quay lại với nghề biển, còn vợ mở một cơ sở nho nhỏ chế biến nước mắm truyền thống. 

Chúng tôi trải qua nhiều nghề mưu sinh rất vất vả. Nhưng vì khát khao cuộc sống sau này của các con sẽ không phải lam lũ, khổ cực như đời ba mẹ chúng, nên hai vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng”.

Bà Nhớ xen vào, kể thêm: “Cực lắm, nhưng sau sinh đứa thứ 2 ông nó vẫn muốn đi học lại. Ông bảo do hồi trước chiến tranh không có điều kiện đi học. Phần thấy ông nó quá đam mê việc học, phần vì sợ ông buồn nên tui không dám cản. Thế là ngày mô ông nó cũng đi bộ hơn 10 cây số lên trường huyện để học tiếp lên cấp 3. 

Có lần tui nói khéo, ba mi học nhiều thì hết cả phần của con! May mà ông nó hiểu ra nên kịp thời “phanh” lại để tập trung lo cho con. Sau này, khi các con đi học, tối nào ông cũng ngồi bên, vừa bày vẽ thêm vừa chia sẻ với con về nỗi khao khát học hành của mình. 

Đặc biệt, khi các con vào cấp 3, ông không bày thêm được nữa vẫn hàng đêm tỉ tê tâm sự, “thổi” vào chúng tinh thần và sự khát vọng học tập. Nhờ đó, con cái đứa nào cũng thấu hiểu lòng cha mẹ, chăm ngoan, học giỏi”.
Ông Lợi, bà Nhớ hạnh phúc khi các con đều đã thành đạt.

Tôi hỏi các con ông bà có đi học thêm không? Bởi vì cả 6 đứa sau khi học xong cấp 2 trường làng đều đã thi đỗ vào những ngôi trường cấp 3 danh giá ở TP. Đông Hà, trong đó có 3 đứa đều trường PTTH Chuyên Lê Quý Đôn. Ông Lợi bộc bạch: “Có học thêm học bớt chi mô chú. 

Chú xem đến bây giờ trước cổng trường cấp 2 chỗ gần ủy ban xã mà có quán xá chi mô. Con cái đi học đến một vài ngàn mua quà vặt vẫn chưa có, huống chi là chuyện học thêm học bớt!”. “Hồi con tui còn đi học ở đây, cứ sáng ra là cả nhà lớn nhỏ đều ngồi quanh mâm khoai lang. 

Mỗi đứa vài củ, ăn xong thì tự đi bộ đến trường. Đến trưa, chiều lại tự đi bộ về nhà. Quan tâm, chăm lo con cái như vợ chồng tui cũng chỉ là sự động viên chúng cố gắng học hành thôi. Cũng may, con cái tui đứa mô cũng biết nghe lời, thương ba mẹ vất vả nên rất nổ lực học tập. 

Ngày đứa con đầu thi đỗ vào cấp 3 trường Lê Lợi ở Đông Hà, vợ chồng tui quá hạnh phúc, ôm con khóc nức nở”, ông Lợi bùi ngùi kể lại. Sau đứa con đầu, ông Lợi bà Nhớ lại có hết cả 5 đứa đều lên phố học hành. Trong đó, con thứ 2 Phan Thị Hà Sương (1987), học chuyên Hóa trường PTTH Chuyên Lê Quý Đôn, Đông Hà; con thứ 4 Phan Cao Bằng (1991) và con thứ 6 Phan Đức Luyện (1995) đều chuyên Toán ở ngôi trường danh giá này. 

Đến nay, riêng Luyện đang học năm thứ 6 học viện Quân y, còn lại 5 anh chị đều đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định và danh tiếng. Bà Nhớ chia sẻ thêm: “Gia đình tui vừa hết nợ tiền vay mượn nuôi con ăn học vào đầu năm ngoái. 

Hơn 1 năm nay, vợ chồng rãnh rang đôi chút nên tập trung vào đầu tư mở rộng cơ sở chế biến nước mắm truyền thống. Hiện, mỗi ngày gia đình cùng với 5 lao động địa phương lọc đóng chai trên 150 lít bán ra thị trường. Bên cạnh nguồn thu nhập ổn định, vợ chồng rất vui vì tạo được công ăn việc làm ổn định cho bà con ở đây”.

Cô giáo Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị nói rằng, ngành giáo dục địa phương rất hãnh diện với những tấm gương vượt khó học giỏi như các con của vợ chồng ông Lợi bà Nhớ. Việc có những người học hành đỗ đạt không chỉ là niềm tự hào, sự động viên lớn cho gia đình, dòng họ, mà còn là sự khích lệ lớn cho các lớp trẻ tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của lớp anh chị đi trước.

Thanh Bình
466 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 925
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 925
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87169557