Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến thưởng thức vở diễn. Đêm diễn còn thu hút đông đảo khán giả Thủ đô và sự góp mặt của các cựu chiến binh sinh viên năm 1969- 1971, những người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Thành Cổ.
Kịch bản chèo “Mưa đỏ” được tác giả Đức Minh chuyển thể từ kịch bản văn học cùng tên của nhà văn Chu Lai. Vở diễn do Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi đạo diễn, với phần âm nhạc do Nghệ sĩ Ưu tú Đào Tuấn Hải đảm nhiệm, phần thiết kế sân khấu do Nghệ sĩ Ưu tú Đạt Tăng thực hiện.
“Mưa đỏ” lấy bối cảnh từ cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 với các nhân vật ở cả hai bên chiến tuyến, xoay quanh hai nhân vật chính là Cường-chiến sĩ quân Giải phóng đại diện cho lớp sinh viên tài hoa ra trận, và Quang-chỉ huy đội hắc báo của Ngụy.
|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng các nghệ sĩ đã biểu diễn thành công vở chèo "Mưa đỏ"
|
Điều đặc biệt là kịch bản “Mưa đỏ” không diễn tiến theo hướng anh hùng ca đơn thuần. Ở đó, không chỉ có sự khốc liệt, hi sinh mà còn có sự lãng mạn, hồi sinh, có những khoảng lặng bình yên của tình yêu nảy mầm trong lửa đạn, có cả những trăn trở đầy nhân văn trong suy nghĩ của những người đang cầm súng.
Đáng chú ý, tác giả đã không áp đặt theo lối phản ánh thường thấy là ta tốt, địch xấu, mà khéo léo lột tả ở nhân vật Quang cả những nét nhân văn, lãng mạn rất đời, rất người, khắc họa nên thế giới nội tâm phong phú của những người ra trận dù ở những chiến tuyến khác nhau.
Vở diễn khép lại bằng cuộc gặp gỡ đầy ấm áp, xúc động giữa mẹ Quang và mẹ Cường nơi nghĩa trang liệt sĩ. Dù con họ ở hai phe chiến tuyến nhưng họ cùng chung nỗi đau mất con, cùng chung tình yêu vô bờ dành cho con.
Hình ảnh hai người mẹ nắm chặt tay nhau là cái kết thật đẹp để chuyển đi thông điệp hóa giải mọi hận thù cùng hướng tới tương lai… “Mưa đỏ” có thể xem là bản hùng ca bi tráng của lý tưởng, lòng yêu nước, ý chí kiên cường, của tình đồng chí đoàn kết, tinh thần nhân văn cao cả và tư tưởng hòa hợp dân tộc sâu sắc.
|
Một cảnh trong vở chèo "Mưa đỏ"
|
Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi cho biết, kịch bản “Mưa đỏ” gợi rất nhiều cảm hứng, nhưng cũng đặt ra nhiều áp lực cho bà khi đảm nhận vai trò đạo diễn. Bởi đây là tác phẩm có tiếng của một nhà văn nổi tiếng. Hơn thế, chèo thường thuận lợi hơn khi làm về đề tài lịch sử, dân gian, không có nhiều lợi thế khi dựng về đề tài chiến tranh cách mạng. Khi đưa các yếu tố hiện đại vào, nếu không khéo sẽ dễ thành tác phẩm kịch hơn là chèo
Tuy nhiên, vượt lên trên những khó khăn này, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi lại tìm thấy những thuận lợi nhất định ở loại hình nghệ thuật chèo truyền thống. Bà đã sử dụng những màn rất căng thẳng, khốc liệt bên cạnh những màn rất mềm mại, lãng mạn để từ đó khẳng định chiến tranh đâu chỉ có sự khốc liệt. Chính nhờ tình yêu, sự lãng mạn trong chiến tranh mà con người có nhiều sức mạnh hơn để vượt qua khó khăn, chiến thắng kẻ thù.
Nhận định về sự khác biệt giữa hai phiên bản kịch và chèo “Mưa đỏ”, nhà văn Chu Lai cảm nhận: Nếu kịch nói là sấm chớp vang trời thì chèo có sự sâu lắng, yên ả hơn song vẫn giữ được hào khí của một thời trận mạc.
“Tôi thực sự rất hài lòng với phiên bản "Mưa đỏ" của sân khấu chèo, đặc biệt với cách xử lý đoạn kết rất khéo léo, tinh tế và xúc động” - nhà văn Chu Lai cho hay.
Làm nên sức hấp dẫn của vở chèo “Mưa đỏ”, không thể không nói đến sự nhập vai rất “nuột” của dàn diễn viên giàu nội lực. Vở diễn huy động khoảng hơn 60 diễn viên của Đoàn Chèo Hải Phòng và các đoàn cải lương, múa rối, kịch nói Hải Phòng cùng tham gia.
https://www.anninhthudo.vn/vo-cheo-mua-do-tai-hien-cuoc-chien-dau-bao-ve-thanh-co-quang-tri-post547574.antd