Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao và Kế hoạch số 212/KH-VKS ngày 12/1/2021 của VKSND tỉnh Quảng Trị về công tác năm 2021, ngày 21/1 VKSND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về “Đánh giá chứng cứ, nhận diện vi phạm trong công tác giải quyết án hình sự”. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu trung tâm tại trụ sở VKSND tỉnh Quảng Trị đến 9 điểm cầu VKSND tỉnh Quảng Trị.
Tham gia giảng dạy có đồng chí Hoàng Ngọc Cẩn, nguyên Trưởng phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự VKSND Hà Nội. Đồng chí Trần Hưng Bình- Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham gia hội nghị tại điểm cầu VKSND tỉnh Quảng Trị còn có các đồng chí lãnh đạo VKSND tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp huyện cùng toàn thể các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên làm công tác nghiệp vụ thuộc các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND cấp huyện có các đồng chí Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và Chuyên viên.
|
Đồng chí Trần Hưng Bình, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị khai mạc Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Hưng Bình đánh giá cao vai trò quan trọng của việc đánh giá chứng cứ trong hoạt động tố tụng hình sự, có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng minh tội phạm, người phạm tội và giải quyết các vấn đề khác của vụ án hình sự.
|
Đồng chí Hoàng Ngọc Cẩn trình bày nội dung tập huấn |
Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Ngọc Cẩn trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ của vụ án và đề ra các giải pháp, biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự; thông qua các ví dụ thực tiễn, các vụ án điển hình về việc thu thập, đánh giá chứng cứ cũng như những vi phạm, thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến các vụ án oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Các đại biểu đã trao đổi với giảng viên về những vấn đề còn bất cập của pháp luật, những vấn đề còn nhận thức chưa thống nhất để thảo luận tại Hội nghị và đã được giảng viên giải đáp về những khó khăn, vướng mắc mà đại biểu nêu ra, đồng thời truyền đạt những kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng trong việc nhận diện và phát hiện thiếu sót, vi phạm để nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm, góp phần bảo đảm pháp chế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia tố tụng.
Nguyễn Cường- Thành Luân