|
Nghề biển đã dần hồi sinh ở xã Vĩnh Thái
|
Ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết, ngay sau thời điểm xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, đời sống của người dân địa phương lâm vào tình cảnh rất khó khăn. “Là địa phương biển bãi ngang, phần lớn người dân đều làm nghề biển nên sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, cuộc sống của người dân trở nên bế tắc. Ngoài nghề biển thì canh tác nông nghiệp ở đây cũng chỉ là trồng lúa trên cát với diện tích toàn xã khoảng trên 30 ha, còn lại các mô hình trồng hoa màu, làm trang trại, gia trại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trước thực trạng này, chính quyền địa phương rất trăn trở về việc phải đa dạng hóa các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân để không quá phụ thuộc vào nghề biển”, ông Thọ nói. Được sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị, xã Vĩnh Thái đã triển khai mô hình trồng sả trên cát với diện tích 1 ha tại thôn Tân Hòa. Có 10 hộ tham gia mô hình này với bình quân mỗi hộ 2 sào, được hỗ trợ giống và phân bón, đầu ra do công ty bao tiêu. Sau một thời gian trồng, chăm sóc theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, cây sả tại địa phương thời gian đầu phát triển khá tốt.
Tuy nhiên, theo một số hộ dân trồng sả tại địa phương cho biết, do chất đất vùng cát khô nóng, nước tưới không đảm bảo nên cây sả đúng thời gian thu hoạch vẫn không đạt tiêu chuẩn, cây nhỏ, lép. Mới đây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ người dân 2 thôn Nam Thái và Thái Lai triển khai mô hình trồng dứa nguyên liệu trên vùng đất trồng tràm kém hiệu quả trước đây. Diện tích trồng dứa trên 3 ha với sự tham gia của 10 hộ dân. Hiện địa phương đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống tưới để phục vụ cho mô hình thử nghiệm này. “Cây dứa Queen này hứa hẹn triển vọng vì nhận định bước đầu phù hợp với vùng đất cát như Vĩnh Thái. Khi hệ thống tưới hoàn thiện thì hứa hẹn sẽ phát huy được hiệu quả.
Đây là mô hình thử nghiệm, dù vậy chúng tôi nghĩ là khả thi, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình để cải thiện thêm thu nhập cho người dân”, chị Nguyễn Thị Huyền, cán bộ nông nghiệp xã Vĩnh Thái đánh giá. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã hoàn thành quy hoạch 1,8 ha đất vùng cát ở thôn Mạch Nước và hỗ trợ cho 20 hộ dân nơi đây triển khai mô hình trồng ném. Chị Huyền cho biết, cây ném từ lâu cũng đã được trồng đạt hiệu quả tại địa phương và đợt triển khai này ưu tiên cho các hộ ngư dân thôn Mạch Nước lần đầu tham gia. “Do là các hộ ngư dân lần đầu tham gia trồng ném nên chúng tôi tận tình hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và giới thiệu đầu ra cho người dân. Mô hình này mục đích là nhằm chuyển đổi sinh kế đồng thời mở thêm cho ngư dân thêm một hướng làm ăn mới, để bà con thích nghi với canh tác nông nghiệp nhằm cải thiện thu nhập bên cạnh nghề biển truyền thống”, chị Huyền nói thêm.
Song song với việc hỗ trợ các mô hình trồng trọt, địa phương cũng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp. Trong đó, mới đây thông qua kênh vốn của Mặt trận đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho 10 hộ chăn nuôi lợn, gà, vịt, dê… để phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập. Đến nay toàn xã đã phát triển được 20 mô hình trang trại, gia trại trên vùng cát, chủ yếu nằm ở xa khu dân cư, nhiều mô hình nuôi theo hướng liên kết, có đầu ra ổn định. Trong đó có một số mô hình trang trại có quy mô 40-50 con lợn/lứa như của các anh Ngô Thế Biên ở thôn Thử Luật, Nguyễn Lưu, ở thôn Thái Lai… Các mô hình đã được người dân chú trọng đầu tư hơn trước đây và địa phương cũng thường xuyên theo dõi, động viên, có sự hỗ trợ để giúp bà con yên tâm làm ăn.
Cùng với sự tích cực chuyển đổi sinh kế bằng các mô hình sản xuất nông nghiệp, trang trại, gia trại trên vùng cát, ngư dân xã Vĩnh Thái cũng đã phấn khởi hơn khi biển đang dần hồi sinh. Đến nay khoảng trên 230 thuyền (đóng mới khoảng 50-60 thuyền) của ngư dân đã đi biển trở lại và đã có thu nhập dần ổn định. Được sự hỗ trợ của cấp trên, ngư dân đã tích cực trang bị thêm ngư lưới cụ, mở mang ngành nghề đánh bắt mới để nâng cao thu nhập. Bãi tắm Vĩnh Thái sau một thời gian đìu hiu thì nay cũng đã bắt đầu có khách trở lại dù số lượng vẫn còn ít hơn so với trước thời điểm sự cố ô nhiễm môi trường biển khá nhiều.
Hiện 16 nhà hàng, quán kinh doanh hải sản ở bãi biển Vĩnh Thái đã hoạt động, bắt đầu có thu nhập trở lại sau một năm đình trệ. Ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết thêm: “Nghề biển đang hồi sinh, ngư dân cũng đã có thu nhập từ biển; các hàng quán kinh doanh hải sản cũng bắt đầu hoạt động trở lại là điều rất đáng mừng. Cùng với đó, thời gian qua địa phương đã đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thương mại, dịch vụ. Chúng tôi xác định thời gian tới, ngoài chú trọng nghề biển truyền thống như lâu nay thì sẽ tiếp tục khai thác vùng cát để phát triển các mô hình nông nghiệp phù hợp, hiệu quả để tạo được nền kinh tế đa dạng, bền vững cho địa phương cũng như tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân”.
Đức Việt
|