VINH QUANG NGHỀ DẠY HỌC 

Người làm nghề dạy học được mệnh danh là “Kĩ sư tâm hồn”, người gieo hạt cho tương lai. Bác Hồ từng khẳng định: "Không có thầy giáo thì không có giáo dục”; Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Để phát huy có hiệu quả các cơ hội, nguồn lực do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao đời sống Nhân dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; phấn đấu đưa tiềm lực, trình độ khoa học và công nghệ Quảng Trị so với cả nước đạt trình độ tiên tiến vào năm 2030; sứ mệnh cao cả đó, đòi hỏi rất cao vai trò, trách nhiệm và sự vào cuộc của người Thầy. Nói cách khác, chất lượng nguồn nhân lực của đất  nước  cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giỏi là chìa khoá, là nhân tố trung tâm cho sự nghiệp giáo dục phát triển. Đây còn là nhân tố đảm bảo cho chất lượng giáo dục được nâng cao và cạnh tranh được với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Có một thời chúng ta cho rằng dạy học là thuần tuý dạy chữ. Quan niệm đó, nay không còn phù hợp bởi dạy học là dạy đạo lý làm người. Người Thầy phải hình thành cho người học 9 loại kỹ năng: Giao tiếp xã hội, nhận thức, xác định giá trị, tư duy sáng tạo, đề ra mục tiêu, quyết định, làm chủ cá thể, kiên định mục tiêu để phấn đấu và ứng dụng.

Theo tinh thần ấy, đối tượng lao động của người thầy là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người nói chung và của thế hệ trẻ nói riêng. Công cụ lao động của nghề dạy học, chủ yếu bằng bản thân con người của mình, là toàn bộ nhân cách của mình. Phương pháp lao động của người Thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá đối tượng bằng tư tưởng, tình cảm của mình… Vì vậy, đó là loại lao động phải hết sức nghiêm túc, đặc biệt phải có một cái tâm trong sáng, để tạo dựng nên nhân cách con người đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của sự nghiệp xây dựng xã hội mới.

Có người đã cho rằng: “Nếu người thợ kim hoàn làm hỏng một đồ vàng bạc thì anh ta có thể đem ra nấu lại. Nếu một viên ngọc quý bị hư thì có thể phá bỏ… Làm hư một con người là một tội lớn, một lỗi lầm lớn không thể nào chuộc được” . Do vậy, một trong những việc trọng tâm là phải làm chuyển biến thực sự chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện đồng bộ từ khâu đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, bố trí sử dụng đến chính sách đãi ngộ tương xứng để đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý.

Để kết thúc bài viết này, xin mượn lời nhắn nhủ của GS,TS; Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân "Mong các nhà giáo phát huy niềm tự hào về vị trí nghề nghiệp cao cả của mình, vừa cống hiến tốt nhất cho xã hội, đồng thời đóng góp trí tuệ của mình cho việc tiếp tục đổi mới nhanh, mạnh mẽ của hệ thống giáo dục nước nhà và nhà trường của chính mình, làm cho Ngành Giáo dục phát triển xứng đáng với niềm mong mỏi của nhân dân, của Đảng, Nhà nước và cũng là mong mỏi của chính các thầy, cô giáo". Trí Ánh

743 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 884
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 884
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87015390