VĨNH LINH - PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG, LAN TỎA KHÁT VỌNG HÒA BÌNH VÀ PHÁT TRIỂN 

Vĩnh Linh - mảnh đất gắn với sự sống còn của dân tộc, nơi đầu sóng ngọn gió của lửa đạn chiến tranh suốt gần một phần tư thế kỷ. Mỗi tên đất, tên làng, ngọn núi, dòng sông,… trên quê hương Vĩnh Linh đã thấm máu bao người con của dân tộc và đi vào lịch sử với những chiến công chói lọi. Máu, mồ hôi, nước mắt của người Vĩnh Linh được hun đúc trong những năm tháng chiến tranh đã tạo nên các giá trị truyền thống văn hóa và cách mạng của vùng đất này, là sự kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất qua dòng chảy lịch sử của dân tộc để làm nên bản sắc riêng của một “Vĩnh Linh lũy thép anh hùng”.

1. Những giá trị truyền thống văn hóa và cách mạng của vùng đất

Truyền thống yêu nước, yêu quê hương, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, dũng cảm, hy sinh trong chiến đấu, vì độc lập, tự do của dân tộc; cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển Vĩnh Linh. Những truyền thống đó là di sản quý báu in đậm trong tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Nó đã trở thành động lực, sức mạnh nội sinh cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Linh kiên cường đứng vững nơi tuyến đầu, dũng cảm chiến đấu lập nên những chiến công vang dội, tạo nên những kỳ tích oai hùng. Có lẽ chẳng có nơi nào đằng đẳng chứng kiến cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm, chứng kiến sự hủy diệt, tàn phá, mất mát, thương đau và chứng kiến cả sự chia cắt; và cũng không một nơi nào như nơi này khi Vĩnh Linh phải nhận lãnh trước lịch sử dân tộc một nhiệm vụ không thể từ chối: Vừa là đầu cầu giới tuyến, tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa là hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam, của Trị - Thiên ruột thịt. Trải qua hơn 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày đêm đối mặt với kẻ thù, đồng bào và chiến sỹ Vĩnh Linh đã kiên trì, bền bỉ tiến hành cuộc đấu tranh bằng tất cả sự thông minh và lòng quả cảm để bảo vệ quê hương. Trên mảnh đất Vĩnh Linh rộng 820 km², Mỹ - ngụy đã huy động 60.000 lượt máy bay các loại, trong đó có gần 4.000 lượt máy bay B52, dội xuống Vĩnh Linh 560.000 tấn bom. Hàng trăm khẩu pháo cỡ lớn từ 105 mm, 175 mm đến 406 mm đặt ở căn cứ ở bờ Nam sông Bến Hải và các hạm đội tàu ở biển Đông đã bắn 727.000 quả đại bác vào Vĩnh Linh; bình quân mỗi km2 hứng chịu 600 tấn bom và 800 quả đại bác. Với hơn 7 vạn dân Vĩnh Linh lúc này, bình quân mỗi người phải chịu 7 tấn bom và 80 quả đại bác. Rõ ràng, đế quốc Mỹ muốn biến Vĩnh Linh “trở về thời kỳ đồ đá”, thành một vùng đất không tồn tại sự sống. Song, người Vĩnh Linh đã sẵn sàng, với ý chí “một tấc không đi, một ly không rời”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” và lời thề sắt son bảo vệ vững chắc thành quả chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, không một loại đạn bom nào có thể khuất phục, có thể lay động ý chí của người dân Vĩnh Linh. Quân thù càng điên cuồng tàn phá thì người Vĩnh Linh càng nung nấu lòng căm thù giặc, càng kiên cường bám đất, giữ làng, giữ vững trận địa, bằng mọi giá chiến đấu và chiến thắng quân thù. Với ý chí bất khuất, anh dũng chiến đấu, quân và dân Vĩnh Linh đã lập nên những chiến công hiển hách: bắn rơi 293 máy bay Mỹ (trong đó có 7 chiếc B52), diệt và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Bắn chìm, bắn cháy 69 tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ ngụy, trong đó có chiến hạm Niugiơdi trọng tải 100.000 tấn.

Với tinh thần giữ vững địa bàn, phục vụ hết sức mình đối với các đơn vị chủ lực chiến đấu tại địa phương và bảo vệ đảo Cồn Cỏ tiền tiêu bằng cả máu của mình, "Còn đất liền, còn đảo", chỉ riêng chiến dịch “tiếp máu cho Cồn Cỏ” (tính trong khoảng thời gian 5 năm 1965-1969); cán bộ, chiến sĩ và những ngư dân quả cảm của 4 xã miền biển Vĩnh Linh đã hơn 300 lần giáp mặt và đánh nhau trực diện  trên biển với 327 tàu chiến Mỹ. Suốt 1.440 ngày đêm, Cồn Cỏ đã đánh 841 trận đánh lớn nhỏ, bắn rơi 48 máy bay (trong đó có 29 chiếc rơi tại chỗ, có ngày bắn rơi 4 chiếc, có trận chỉ trong 2 giờ chiến đấu bắn rơi 3 chiếc), bắn cháy và bắn chìm 17 tàu chiến các loại.

Dưới mưa bom bão đạn của quân thù, phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo, thông minh, chịu thương, chịu khó trong lao động, Vĩnh Linh vẫn đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân, dốc lòng, dốc sức cho cuộc chiến đấu.

Trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh, với tinh thần đoàn kết, yêu thương, sẻ chia, Vĩnh Linh đã dang rộng vòng tay đón hơn 8,5 vạn đồng bào từ các huyện Hải Lăng, Triệu Phong ra sơ tán theo Kế hoạch K15. Nhân dân Vĩnh Linh đã cưu mang đùm bọc, nhường cơm sẻ áo cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Vĩnh Linh trở thành hậu cứ trực tiếp của chiến trường Gio Linh, Cam Lộ, là điểm đứng chân của các đơn vị chủ lực vượt sông Bến Hải, băng qua Trường Sơn vào giải phóng miền Nam. Sự ác liệt của chiến tranh và tầm nhìn về tương lai, tính toán cho phương án lâu dài đã ra đời kế hoạch 8, kế hoạch 10, với cuộc trường chinh khoảng 3 vạn trẻ em của mảnh đất này đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương gửi ra Bắc vừa để tránh bom đạn của kẻ thù, bảo vệ các “hạt giống đỏ”, vừa đào tạo chuẩn bị nguồn lực cho ngày mai xây dựng quê hương.

Gần 21 năm (1954 - 1975) trực tiếp đối mặt với kẻ thù, dưới ngọn cờ tiên phong của Đảng, với truyền thống bất khuất của một dân tộc anh hùng, với tinh thần mỗi người dân Vĩnh Linh là một người lính, nếp sống quân sự hòa trong nếp sống dân sự, người người ra trận, nhà nhà ra trận; Chính vì vậy, cho dù Mỹ-ngụy huy động một lực lượng chiến tranh khổng lồ vẫn không làm nao núng lòng người Vĩnh Linh. Hàng vạn tấn đạn bom có thể hủy diệt mặt đất chứ không thể hủy diệt được lòng người. Chính lòng người Vĩnh Linh mới là bài ca bất tử, sống mãi trong tâm khảm nhân dân cả nước. Cột cờ đứng vững, lá cờ Tổ quốc tung bay trên kỳ đài Hiền Lương không chỉ là niềm kiêu hãnh của dân tộc mà còn là niềm tin của đồng bào mong đợi ngày đất nước thống nhất.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc ấy, Vĩnh Linh vinh dự được Đảng, Nhà nước 02 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng, 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen và tặng hai câu thơ bất hủ "Đánh cho giặc Mỹ tan tành - Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh Anh hùng", được bè bạn gần xa mến phục, tặng cho những danh hiệu cao quý “Vĩnh Linh lũy thép”, “Tuyến lửa anh hùng”...

Những chiến thắng vang dội của 70 năm về trước mãi là biểu tượng chói lọi của ý chí và khát vọng hòa bình. Chiến công hiển hách không chỉ của quân và dân Vĩnh Linh mà còn của cả nhân loại tiến bộ, cổ vũ, động viên, thắp sáng niềm tin cho nhân loại tiến bộ trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Truyền thống yêu nước, yêu quê hương được xây đắp và ngày càng được phát huy, bề dày văn hóa và cách mạng ngày càng được hun đúc và cũng chính từ nơi đây, Vĩnh Linh, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải trở thành biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông, là nơi hội tụ và lan tỏa khát vọng hòa bình, cùng lời hẹn thề đoàn tụ bên “sông tuyến”, “bắc-nam liền dải non sông”.

Truyền thống oai hùng ấy chính là cội nguồn sức mạnh để Vĩnh Linh tiến những bước dài trong thời kỳ mới. Từ chiến hào, địa đạo bước lên, từ nơi sơ tán trở về, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh bắt đầu lại công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương từ hai bàn tay trắng. Hơn 13 năm cùng Gio Linh, Cam Lộ trong ngôi nhà chung Bến Hải, đặc biệt từ năm 1990, khi trở về với tên gọi trước đây, phát huy truyền thống cách mạng được tôi rèn trong chiến đấu, vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách, mảnh đất hoang tàn do đạn bom hủy diệt đã nhanh chóng được hồi sinh. Từ một miền đất lửa, hoang tàn do đạn bom hủy diệt, sau 70 năm, Vĩnh Linh đã và đang thay đổi từng ngày, phát triển mạnh mẽ và ngày càng tươi đẹp, viết tiếp bài ca anh hùng của thời kỳ mới. Với khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Vĩnh Linh đã phát huy truyền thống cách mạng, đồng lòng nỗ lực, quyết tâm, năng động, sáng tạo phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của huyện, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực và đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

2. Vĩnh Linh cần làm gì để phát huy truyền thống cách mạng trong thời gian đến

Để tiếp tục khơi dậy trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp và khát vọng hòa bình, phát triển trở thành sức mạnh nội sinh xây dựng Vĩnh Linh ngày càng phát triển, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Vĩnh Linh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, tinh thần yêu quê hương, đất nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, dũng cảm, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để xây dựng Vĩnh Linh ngày càng giàu đẹp, phát triển hiện đại. Chú trọng giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng, tham gia đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. 

- Phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp làm nên cốt cách của con người Vĩnh Linh; xây dựng và triển khai các giá trị tiêu chí, chuẩn mực trong hành vi, lối sống, ứng xử trên nền các giá trị cốt lõi của truyền thống; phải khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, niềm tin vững chắc vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới của nước ta do Đảng lãnh đạo; khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần chủ động, dấn thân, sáng tạo, khát khao cống hiến để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Từ đó giáo dục cán bộ, đảng viên, người dân thấy được vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước, ý thức được trách nhiệm đối với Tổ quốc, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tu dưỡng đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi thử thách của thời cuộc, hăng hái trong hoạt động thực tiễn, tích cực trong lao động sáng tạo, vững vàng hơn về tâm thế, năng động, nhạy bén hơn trong tư duy và tích cực trong công việc.

- Phát huy mạnh mẽ các phong trào hành động cách mạng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Phát huy giá trị các địa điểm, di tích lịch sử, văn hóa trong công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Tổ chức các hoạt động “Về nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên đề thăm di tích lịch sử cách mạng, hành trình đến với “địa chỉ đỏ” nhằm mang lại hiệu quả, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ đối với những giá trị lịch sử tốt đẹp của vùng đất Vĩnh Linh. 

 - Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nâng cao tính tiền phong, gương mẫu, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; triển khai thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; thực hiện có hiệu quả việc giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; đồng thời phát huy tinh thần tự học, tự rèn, tu dưỡng đạo đức cách mạng của đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đổi mới công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyền làm chủ của Nhân dân, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân trong sự nghiệp phát triển quê hương. Quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở vững mạnh, thực hiện mạnh việc phân cấp quản lý, từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại.

- Các giá trị truyền thống chính là sức mạnh nội sinh để thúc đẩy kinh tế phát triển. Chính vì vậy, Vĩnh Linh cần phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển của người dân Vĩnh Linh, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với phát triển khoa học, công nghệ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho đầu tư. Đẩy mạnh thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã miền núi. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Vĩnh Linh có quy hoạch nông thôn ở các xã rất tốt, thuận lợi cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhưng Vĩnh Linh cũng có 3 xã miền núi, cơ sở hạ tầng còn bất cập, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao..... Vì vậy, sau khi hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Vĩnh Linh đạt chuẩn nông thôn mới, huyện cần tiếp tục tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện và các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu, bền vững, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đời sống cho Nhân dân. Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn nông thôn gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Quan tâm thu hút các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực giầy da, may mặc, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản. Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, khuyến khích đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại.

- Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về truyền thống lịch sử, các điều kiện về cảnh quan tự nhiên, các di tích danh thắng trên địa bàn gắn liền với các địa danh Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương, Làng hầm Vĩnh Linh, Khu du lịch Cửa Tùng, Khu du lịch sinh thái Rú Lịnh, Mũi Trèo, khu dịch vụ - du lịch Vĩnh Thái để phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch làng nghề, lễ hội truyền thống cách mạng, coi đây bước đi góp phần phát huy những thế mạnh của huyện. Tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch của huyện liên kết với các điểm du lịch vùng phụ cận; xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương. Phối hợp tuyên truyền, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, khởi công công trình biểu tượng “Ước nguyện hòa bình” tại công viên Thống Nhất, tôn tạo một số hạng mục thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải nhằm  phát huy hiệu quả và giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của di tích, tôn vinh giá trị của hòa bình, xây dựng Quảng Trị nói chung và Vĩnh Linh nói riêng trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình.

70 năm truyền thống của huyện Vĩnh Linh là di sản đồ sộ về sáng tạo trong đấu tranh cách mạng và xây dựng, bảo vệ phát triển đất nước, góp phần khắc họa một giai đoạn lịch sử gian lao nhưng rất đỗi hào hùng của Vĩnh Linh đất thép anh hùng cũng như của dân tộc Việt Nam. Trên con đường đổi mới, với hành trang, ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Linh hãy đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, vững bước đi lên xây dựng quê hương phát triển giàu mạnh, viết tiếp khúc khải hoàn ca Vĩnh Linh anh hùng trong chiến đấu, anh hùng trong đổi mới, xây dựng, để “đất thép nở hoa” và lan toả khát vọng hòa bình, phát triển./. Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,Chủ tịch HĐND tỉnh

 

253 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1808
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1808
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84493578