Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao tặng Giấy khen cho cá nhân tận tình chăm sóc nạn nhân CĐDC. Ảnh: BL

Hội nghị nhằm tôn vinh những hy sinh thầm lặng, nêu cao giá trị đạo đức cao quý, tri ân những người đã có công trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam (CĐDC). Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về thảm họa da cam ở Việt Nam, thúc đẩy phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Theo Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam. Chất độc hóa học đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chiến tranh hóa học.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam. Toàn dân và nhiều bạn bè quốc tế đã tích cực tham gia phong trào “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Từ phong trào này, rất nhiều tấm gương về lòng nhân hậu đã xuất hiện, đặc biệt là những người trực tiếp chăm sóc nạn nhân.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã gửi lời động viên, chia sẻ sâu sắc đến các nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ; đồng thời ghi nhận, biểu dương những người có tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân da cam.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thể hiện sự tri ân, chăm sóc người có công, trong đó có người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; các ngành, địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến các nạn nhân. Tuy vậy, cuộc sống của nhiều nạn nhân chất độc da cam vẫn còn khó khăn, vất vả.

 Để vơi bớt nỗi đau da cam, Trưởng Ban Dân vận Trung ương yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng nghiên cứu, từng bước xây dựng các chính sách phù hợp đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin thuộc thế hệ thứ 3, người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân. Trưởng Ban dân vận Trung ương cũng kêu gọi các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng xã hội tiếp tục chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, giúp họ có cuộc sống ngày càng ổn định, phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thảm họa da cam, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của dân tộc một cách mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, coi đây là một nghĩa cử cao đẹp, nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt trong thời kỳ cách mạng; các cấp, các ngành cần có biện pháp, hành động thiết thực, tích cực triển khai chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Nhân dịp này, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tặng giấy khen vinh danh 120 người người có tấm lòng nhân hậu, không quản ngại khó khăn, vất vả tận tình chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin khắp mọi miền đất nước. Các nạn nhân, người chăm sóc nạn nhân và cán bộ các cơ sở Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã chia sẻ những câu chuyện cảm động, sự nỗ lực vươn lên của những gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin./

Bích Liên