Viettel lọt tốp 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 

(Chinhphu.vn) – Với việc được định giá 4,316 tỷ USD (tăng 35,8% so với năm 2018, Viettel đã trở thành thương hiệu duy nhất của Việt Nam và là 1 trong 8 thương hiệu của ASEAN lọt vào danh sách tốp 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới.

 

Giá trị thương hiệu của Viettel tăng 35,8%  so với năm 2018

Ngày 22/1, tại Davos (Thụy Sĩ), trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới, Brand Finance - nhà tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới đã công bố danh sách 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới, trong đó, lần đầu tiên Viettel, thương hiệu Việt Nam tham gia danh sách này, đạt thứ hạng 478 với mức định giá 4,316 tỷ USD.

Danh sách 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới bao trùm tất cả các lĩnh vực: Viễn thông, công nghệ, ô tô, dầu khí… với những cái tên lớn như Amazon, Apple, Google, Mercedes-Benz, Shell, Telstra…

Trong tổng số khoảng 5.000 doanh nghiệp trên toàn thế giới có khoảng 500 doanh nghiệp Đông Nam Á được đưa vào đánh giá, chỉ có 8 thương hiệu ASEAN lọt vào danh sách này bao gồm 3 lĩnh vực viễn thông, dầu khí và ngân hàng, trong đó Viettel, thương hiệu duy nhất đại diện cho Việt Nam đã được gọi tên.

Ông David Haigh, CEO của Brand Finance cho biết, giá trị thương hiệu được hiểu là lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp đạt được sau khi chính thức kinh doanh. Sức mạnh thương hiệu là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp so sánh với các doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực. Mỗi năm Brand Finance thực hiện đánh giá khoảng 5.000 thương hiệu toàn cầu với 40 lĩnh vực khác nhau trên nhiều tiêu chí như doanh thu, chỉ số sức mạnh thương hiệu. Vì vậy, việc nằm trong 500 thương hiệu có giá trị nhất đã chứng minh Viettel là thương hiệu vững mạnh trên toàn cầu.

Trước đó, Brand Finance đã công bố danh sách 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam năm 2018. Theo đó, Viettel tiếp tục là thương hiệu đứng số 1 về giá trị, với mức định giá 3,178 tỷ USD (tăng 23,7% so với năm 2017), bằng tổng giá trị của thương hiệu đứng thứ 2 và thứ 3 trong bảng xếp hạng cộng lại.

Theo đánh giá của Brand Finance, giá trị của Viettel được đánh giá cao do sự hiện diện và đóng góp ở 10 thị trường nước ngoài. Điều này cho thấy Viettel đã trở thành một doanh nghiệp có tính cạnh tranh cao trên trường quốc tế.

Để đạt được thành quả đáng ấn tượng trên, trong chiến lược phát triển bền vững của mình, Viettel đã đẩy mạnh chuyển dịch hướng đến một doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp toàn cầu. Theo đó, trong năm 2018 Viettel đã hình thành xong 3 ngành công nghiệp mới là công nghiệp điện tử viễn thông; công nghiệp an ninh mạng, công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội và tuyên bố chuyển sang giai đoạn phát triển thứ 4 với mục tiêu toàn cầu hóa và đi đầu trong cuộc Cách mạng 4.0.

Có thể nói, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, năm 2018 là một năm thành công đối với Viettel trong việc mở rộng đầu tư tại châu Á. Trước tiên phải điểm danh đến Mytel - thương hiệu của Viettel tại Myanmar đã đạt gần 5 triệu thuê bao chỉ sau 6 tháng chính thức kinh doanh, chiếm thị phần hơn 10% tại đây. Mytel đã đưa Myanmar trở thành thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Viettel trong lịch sử, đồng thời cũng là một hiện tượng về tăng trưởng của ngành viễn thông thế giới.

Mytel (thương hiệu của Viettel tại Myanmar) cán mốc tăng trưởng 3 triệu thuê bao sau 3 tháng khai trương. 

Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển nhanh chóng, tính đến hết quý II/2018, Bitel - Thương hiệu của Viettel tại Peru đã có 5,1 triệu thuê bao, tương đương với thị phần 13,5%. Trong 3 năm liên tiếp (2015-2017), Bitel là công ty có tốc độ tăng trưởng thuê bao nhanh nhất Peru.

Tính đến cuối tháng 6/2018, ba thị trường của Viettel đã hoàn vốn đầu tư là Lào, Campuchia, Timor-Leste và đứng số 1 tại thị trường về mạng lưới viễn thông. Đặc biệt, trong số 9 thị trường quốc tế của Viettel, Myanmar là thị trường lớn nhất trong năm 2018 về tăng trưởng.

Tập đoàn Viettel có vốn đăng ký đầu tư ở các thị trường quốc tế là hơn 2 tỷ USD, trong đó hơn 50% đã được giải ngân. Tổng lợi nhuận đã được chuyển về Việt Nam là 516 triệu USD, chiếm gần 45% số vốn đã đầu tư. Năm 2018 doanh thu dịch vụ tăng trưởng 20%, thuê bao di động tăng trưởng gần 70% và dòng tiền chuyển về nước đạt 240 triệu USD, cao hơn 3% so với 2017.

Mục tiêu tới năm 2020 của Viettel Global là mở rộng thị trường đầu tư đạt quy mô dân số 400-500 triệu dân và vào tốp 10 công ty viễn thông toàn cầu.

Trong nước, năm 2018, Viettel cũng ứng dụng nhiều công nghệ 4.0 vào sản phẩm, dịch vụ như: Đưa công nghệ BlockChain vào quản lý hồ sơ sức khỏe y tế cá nhân; Áp dụng công nghệ AI vào xây dựng phần mềm Hệ thống nhận diện biển số xe, phương tiện và nhận diện khuôn mặt; Áp dụng công nghệ AI vào các sản phẩm Trợ lý ảo, Chatbot... đã mang lại hiệu quả, từng bước hiện thực hóa chiến lược của Viettel trong giai đoạn phát triển mới 4.0 và toàn cầu. Đi kèm với đó, Viettel cũng tuyên bố đầu tư mạnh cho việc nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G và dự kiến triển khai thử nghiệm công nghệ này trong năm 2019.

Minh Thi

621 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1091
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1091
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87150019