|
Trong 10 năm, Tập đoàn Viettel đã trao hơn 2.500 con bò giống
cho các hộ nghèo tại 3 huyện gồm Mường Lát, Bá Thước (Thanh Hoá) và huyện Đắkrông (Quảng Trị). Ảnh:VGP/Quang Minh |
Theo Thiếu tá Cao Mạnh Đức, Giám đốc Viettel tỉnh Thanh Hoá chia sẻ, trước khi thực hiện đầu tư dài hạn của Chương trình 30a theo Nghị quyết của Chính phủ, Viettel đã sử dụng thế mạnh của mình là viễn thông để hỗ trợ các huyện khó khăn này. Việc mở rộng các trạm phát sóng ngay tại khu vực cư dân thuộc các huyện nghèo như Mường Lát, Bá Thước đã giúp sóng di động giúp người dân thuận tiện hơn trong buôn bán, sinh hoạt, góp phần nâng cao đời sống.
“Việc phủ sóng mạng di động và Internet cáp quang sau đó tại các huyện nghèo cũng đã giúp người dân tiếp cận thông tin hữu ích hơn và giúp họ tự tìm thấy thêm nhiều cơ hội làm ăn”, Thiếu tá Cao Mạnh Đức cho biết.
Đặc biệt, với các khoản đầu tư cho Chương trình 30a, Viettel nhất quán với quan điểm “tạo chiếc cần câu, chứ không cho con cá”. Đây là lý do Tập đoàn này đầu tư vào một “hệ sinh thái giảm nghèo” chứ không làm đơn lẻ và chấp nhận không thể tạo ra những con số giảm nghèo nhanh chóng trong thời gian đầu.
Cụ thể, Tập đoàn đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng các trạm y tế để chăm lo cho sức khoẻ người dân nghèo, đầu tư nhà ở để người nghèo an cư lạc nghiệp, khu nhà bán trú dân nuôi giúp học sinh nghèo có chỗ ăn, ở kiên cố và giảm bệnh tật… Đặc biệt, tất cả các cơ sở hạ tầng này đều được tính toán để không chồng chéo với các chương trình xã hội, từ thiện khác của Chính phủ, đảm bảo hiệu quả cao nhất nhờ việc các cán bộ Viettel trực tiếp giám sát. Bên cạnh cơ sở hạ tầng, Viettel còn hỗ trợ giống cây, con, hỗ trợ phát triển giáo dục... cho bà con nhân dân thuộc các huyện nghèo.
Đánh giá về các Chương trình hỗ trợ này, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bá Thước (Thanh Hoá) cho biết, kinh tế huyện nghèo dựa chủ yếu vào nông - lâm nghiệp nên khi Viettel đề xuất với địa phương hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, hai bên thống nhất rất nhanh.
“Chúng tôi nhận thấy, chương trình hỗ trợ giống cây con, đặc biệt hỗ trợ giống bò là hiệu quả nhất", ông Tâm cho biết.
Cũng theo ông Tâm, có tới 70% số hộ nhận được hỗ trợ bò thoát nghèo (năm 2015) và năm 2017 là 69%. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ giống cây để giúp phát triển và bảo vệ rừng bền vững cũng là chương trình mang lại cơ hội giảm nghèo hiệu quả cho người dân.
Theo Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện Bá Thước, từ năm 2009 đến nay, Tập đoàn Viettel đã hỗ trợ cho huyện Bá Thước hơn 80 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội, giáo dục, y tế, tặng bò, nhà ở... cho người nghèo. Riêng giai đoạn 2019-2020 Viettel hỗ trợ cho huyện nhà gần 18 tỷ đồng.
Bà Trịnh Thị Tiếp, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa cho biết, sự hỗ trợ thiết thực của Viettel đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Bá Thước từ 50,14% năm 2010 giảm xuống chỉ còn 7,26% vào năm 2019 (theo tiêu chí mới); trong đó tỷ lệ tái nghèo thấp".
Trong 10 năm bền bỉ thực hiện chương trình 30a, không chỉ huyện Bá Thước đạt được các kết quả giảm nghèo bền vững ấn tượng với cách làm về “hệ sinh thái giảm nghèo” và “tạo ra cần câu cho người dân”, huyện Mường Lát (cùng thuộc tỉnh Thanh Hoá) và Đắk Rông (tỉnh Quảng Trị) cũng có kết quả tương tự.
Những nỗ lực của Viettel đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại 3 huyện này trung bình đạt 6,85%/năm - cao hơn 2,85% so với mục tiêu giảm nghèo của địa phương theo Nghị quyết 30a của Chính Phủ.
Tổng số tiền mà Viettel đã đầu tư cho chương trình 30a tại 3 huyện nghèo lên tới 250 tỷ đồng. Tập đoàn này đã trao hơn 2.500 con bò giống, 2.200 ngôi nhà đến tận tay các hộ nghèo tại 3 huyện (Mường Lát gần 1.200 con và 355 ngôi nhà, Bá Thước gần 700 con bò và 440 ngôi nhà, Đắkrông gần 600 con bò và 1.469 ngôi nhà). Song song, Viettel cũng tài trợ xây dựng 13 công trình (gồm 8 trạm y tế, 3 trường học, 2 nhà bán trú) trên địa bàn 3 huyện Bá Thước, Mường Lát (Thanh Hóa) và Đắkrông (Quảng Trị).
Hiền Minh