Ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TT&TT) chia sẻ
về thực trạng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Đây cũng là hoạt động nhằm khởi động sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin theo biên bản ghi nhớ đã được hai quốc gia ký kết vào năm 2016.

Đô thị thông minh được xác định là một trong các định hướng chủ chốt, ưu tiên trong chiến lược phát triển của Chính phủ Việt Nam. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang tập trung phát triển hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin để thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam phát triển, bắt kịp với khu vực và thế giới.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang đẩy mạnh đồng bộ kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung vào việc xây dựng hệ thống số hóa và từng bước hoàn thiện Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Cùng với đó, Bộ cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm phát triển tại các đô thị tiên tiến, xây dựng mô hình đô thị thông minh điển hình phù hợp với Việt Nam.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, một số địa phương trên cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh... đã phê duyệt và triển khai đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh. Phát triển đô thị thông minh là giải pháp đột phá trong tình hình mới để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong trung hạn và dài hạn. Việc triển khai đô thị thông minh nhằm giải quyết tốt hơn các áp lực lên đô thị xoay quanh 6 lĩnh vực: nền kinh tế thông minh, chính quyền thông minh, di chuyển thông minh, môi trường thông minh, cuộc sống thông minh và cư dân thông minh.

Ông Bertrand Lortholary, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam nhận định: đến năm 2020,  sẽ có 2/3 dân số Việt Nam sống tại đô thị thay vì tỷ lệ 1/3 như hiện nay. Vì vậy, Việt Nam cần khẩn trương thay đổi phương thức quản lý đô thị thế nào cho hiệu quả và thích ứng với thời đại. Những vấn đề Việt Nam đang gặp phải là vướng mắc mà Pháp đã trải qua. Do đó, phía Pháp sẽ chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn phát triển này và trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

Tại hội thảo, một số doanh nghiệp, tổ chức của Pháp đã giới thiệu các giải pháp công nghệ và kinh nghiệm trong mô phỏng bằng công nghệ 3D được ứng dụng trong các lĩnh vực giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị và mạng lưới năng lượng đang được áp dụng hiệu quả tại Pháp. Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Pháp tổ chức các chương trình gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa doanh nghiệp Pháp với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam để tạo mối quan hệ hợp tác chặt chẽ./.

 

Ngọc Bích/TTXVN