Nền tảng pháp lý vững chắc
Được chính thức thiết lập từ năm 1973, quan hệ Việt- Nhật ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, cùng với các cam kết song phương và đa phương được mở rộng không ngừng.
Khuôn khổ hợp tác song phương được thắt chặt với các cam kết trong Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản (thực hiện từ 7/4/2003), Hiệp định bảo hộ thúc đẩy và tự do hóa đầu tư Việt – Nhật (thực hiện từ 14/11/2003), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (thực hiện từ 25/12/2008).
Năm 2014, Việt Nam- Nhât Bản phát triển quan hệ lên tầm quan hệ đối tác chiến lược.
Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN- Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Quan hệ hai bên có nền tảng pháp lý vững chắc, đa dạng, toàn diện, lâu dài để tiềm năng to lớn hai nước được khai thác với quy mô gia tăng liên tục
Kinh tế- thương mại- đầu tư song phương phát triển tốt đẹp
|
Nguồn: Tổng cục thống kê và tác giả ước tính năm 2021
|
Trong giai đoạn 1995-2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tăng lên cùng với sự tăng lên của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản Nhật Bản chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hệ số xu hướng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản mang dấu dương (+815.27) phản ánh kha năng xuất khẩu tiếp tục tăng lên thời gian tới (Hình 1).
Cũng trong giai đoạn này, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản tăng lên cũng với sự tăng lên của tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tương tự như xuất khẩu, tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Hệ số xu hướng nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản cũng mang dấu dương (+827.46) phản ánh khả năng nhập khẩu tiếp tục tăng lên thới gian tới (Hình 2). Cán cân thương mại hàng hoá song phương có xu hướng cân bằng.
|
Nguồn: Tổng cục thống kê và tác giả ước tính năm 2021
|
Về đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, tính đến 20/10/2021, Nhật Bản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam 2.837 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 35,1 tỷ đô-la Mỹ.
Về đầu tư Việt Nam sang Nhật Bản, tính đến tháng 9/2021, Việt Nam đầu tư sang Nhật Bản 93 dự án với tổng số vốn đăng ký 23,265 tỷ đô la Mỹ. Con số này có xu hướng tăng lên cho thấy nhiều cơ hội đầu tư đang được khai thác. (Cục đầu tư nước ngoài).
Về ODA, Nhật Bản là một trong những đối tác cung cấp nguồn ODA lớn nhất cho Việt Nam. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng ở Việt Nam nhất là dự án giao thông được thực hiện bằng nguồn ODA của Nhật Bản. Kể cả trong giai đoạn gặp thảm hoạ động đất 2011, Nhật Bản vẫn không giảm cung cấp ODA cho Việt Nam.
Trong hợp tác lao động, nhiều lao động của Việt Nam đã có việc làm tại Nhật Bản với thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình ở Việt Nam. Nhiều học sinh, sinh viên đại học và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tập, nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục Nhật Bản.
Ngoài ra, trong đại dịch COVID-19, Nhật Bản đã nhiều lần hỗ trợ vắc-xin cho Việt Nam. Tính đến 15/10/2021, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam 4,08 triệu liều vắc-xin. Đây là biểu hiện giá trị cao đẹp và nhân văn, càng củng cố thêm lòng tin quan hệ giữa nhân dân 2 nước.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Hội đàm cấp cao Việt Nam-Nhật Bản
ngày 24/11/2021. Ảnh: BNG
|
Giai đoạn mới nhiều cơ hội lớn
Cơ hội phát triển sâu quan hệ thương mại và đầu tư song phương trên nền tảng của hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, các các cam kết mới, toàn diện trong RCEP cần được khai thác.
Tính bổ sung cao giữa 2 nền kinh tế là điều kiện để thắt chặt quan hệ 2 nước dựa trên khai thác đầy đủ cơ hội phát triển khi quan hệ hữu nghị giữa hai nước được nâng lên cao hơn trong giai đoạn mới.
Nhật Bản có nguồn vốn đầu tư rất lớn, thị trường gần 5 nghìn tỷ đô-la Mỹ, dân số 125,9 triệu người với thu nhập bình quân đầu người rất cao, nền tảng công nghiệp vững mạnh mà Việt Nam có thể tiếp cận lâu dài, toàn diện và liên tục.
Đồng thời, Nhật Bản có những mô hình tổ chức công nghiệp, quản trị doanh nghiệp tinh gọn, độc đáo, đổi mới sáng tạo, Việt Nam có thể tăng cường học hỏi để thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá giai đoạn mới.
Những thành tựu của Nhật Bản trong tự động hoá, sản xuất thông minh, sản phẩm tinh xảo, phát triển các ứng dụng của cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam hợp tác.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao, năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, việc phát triển năng lượng tái tạo của Nhật Bản là hình mẫu để Việt Nam tiếp cận.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có thị trường 98 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng lên, cơ cấu dân số vàng, giá lao động thấp là nơi hấp dẫn cao và tiếp nhận hiệu quả vốn đầu tư Nhật Bản, tiêu thụ hàng hoá nhập khẩu chất lượng tinh xảo của Nhật Bản và xuất khẩu lao động.
Dịch vụ du lịch Việt Nam khôi phục sau đại dịch sẽ hấp dẫn nhiều du khách Nhật Bản. Các dịch vụ khác như giáo dục chất lượng cao, đào tạo kỹ năng nghệ chuyên sâu, dịch vụ logistics đồng bộ rất cần sự tham gia nhiều hơn của các nhà cung ứng Nhật Bản.
Cơ sở hạ tầng Việt Nam đang trong giai đoạn hiện đại hoá nên rất cần lượng vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại và mô hình quản lý thông minh kiểu Nhật Bản.
Cần giải pháp tổng thể, dài hạn và bao trùm
Quan hệ song phương liên tục tạo kỷ lục mới về thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác mang lại lợi ích và giá trị ngày càng tăng cho cả hai bên, hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu ngày càng gia tăng của nhân dân 2 nước.
Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu trở thành nước thu nhập trung bình cao năm 2030 và thu nhập cao năm 2045. Đây là mục tiêu phấn đấu tổng thể, lâu dài và bao trùm.
Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần huy động rất nhiều nguồn lực. Đây là cơ hội rất lớn để Nhật Bản- đối tác chiến lược của Việt Nam tập trung hợp tác khai thác.
Các nguồn lực Việt Nam cần thu hút từ Nhật Bản có thể lớn hơn đáng kể so với giai đoạn trước cả về vốn, công nghệ, thị trường xuất- nhập khẩu, đổi mới sáng tạo, nhân lực và quản trị. Các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ, lao động ngày càng sâu sắc và có tính lan toả lớn.
Bên cạnh việc khai thác các cam kết hiện có, với quy mô hợp tác kinh tế mở rộng, các doanh nghiệp, địa phương, các cơ quan, tổ chức của hai bên cần chuẩn bị sẵn sàng cho chiến lược mở rộng hợp tác toàn diện, dài hạn, liên tục và tốc độ cao hơn. Lợi ích thu được chắc chắn lớn hơn nhiều khi các tiềm năng được khai thác hiệu quả. Theo đó, cần mở rộng hơn khuôn khổ hợp tác toàn diện và đầy đủ hơn giữa hai bên thuộc mọi cấp độ./.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân)