Việt Nam và những dấu ấn đối ngoại quan trọng về quyền con người 

(ĐCSVN) – Trong năm 2022, Việt Nam đã phát huy vai trò tham gia chủ động, tích cực trong các cơ chế đa phương liên quan đến quyền con người, đặc biệt với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và thúc đẩy những sáng kiến vì quyền con người trong khuôn khổ Hội đồng cũng như các thể chế đa phương khác. Những nỗ lực đó đã trở thành tiền đề để chúng ta gặt hái được nhiều thành tựu trong công tác đối ngoại về quyền con người.

 

Đây là nội dung được ông Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) đưa ra trong Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 12/2022 do Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN) 

Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam và điều này được thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn độc lập và trong Hiến pháp. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Quan điểm con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… đã được thể hiện xuyên suốt trong các cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu".

Trong năm 2022, Việt Nam đã phát huy vai trò tham gia chủ động, tích cực trong các cơ chế đa phương liên quan đến quyền con người, đặc biệt với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và thúc đẩy những sáng kiến vì quyền con người trong khuôn khổ Hội đồng cũng như các thể chế đa phương khác. Những nỗ lực đó đã trở thành tiền đề để chúng ta gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác đối ngoại liên quan đến lĩnh vực quyền con người. 

Việt Nam trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025

Ngày 11/10/2022, trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 77, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã bỏ phiếu bầu 14 thành viên mới của HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam. Đây là lần thứ 2 Việt Nam trúng cử vào làm thành viên HĐNQ LHQ (nhiệm kỳ trước từ 2014-2016). Việc Việt Nam trúng cử vào HĐNQ LHQ trong bối cảnh có nhiều cạnh tranh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (7 nước ứng cử cho 4 ghế), cạnh tranh nước lớn phức tạp, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đặc biệt coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hải Lưu, việc Việt Nam trúng cử HĐNQ không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới. Đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.

Duy trì sự tham gia tích cực, chủ động tại các diễn đàn đa phương quốc tế về quyền con người

Tham gia các diễn đàn chính, lớn của LHQ về nhân quyền như: Phiên họp cấp cao và các Khóa họp thường kỳ trong năm 2022 của HĐNQ LHQ (Geneva, Thụy Sỹ); đồng chủ trì thúc đẩy thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết về “Biến đổi khí hậu và quyền lương thực” với số nước đồng bảo trợ cao tại Khoá 50 HĐNQ (tháng 7/2022); tham gia các cuộc họp của Uỷ ban 3 Đại Hội đồng Khoá 74 (tháng 10-11/2022); qua đó duy trì sự hiện diện thường xuyên, tích cực và trách nhiệm tại các diễn đàn đa phương về quyền con người. 

Tiếp tục triển khai đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm các cam kết quốc tế về quyền con người

Trong đó có triển khai Kế hoạch Tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III; xây dựng và công bố Báo cáo giữa kỳ thực hiện UPR chu kỳ III; phối hợp với các Bộ, ngành trong xây dựng và bảo vệ Báo cáo thực hiện Công ước Quyền trẻ em (CRC); xây dựng Báo cáo thực hiện Công ước LHQ về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Công ước LHQ về chống tra tấn (CAT), Báo cáo lần thứ 9 thực hiện Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), nộp và chuẩn bị bảo vệ Báo cáo Công ước về chống phân biệt đối xử (CERD).

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về chủ trương, đường lối, thành tựu dân chủ, nhân quyền của Việt Nam

Điển hình là việc trong năm qua, chúng ta đã tổ chức thành công “Triển lãm ảnh về các cộng đồng dân tộc và tôn giáo tại Việt Nam: Hòa hợp trong Đa dạng” tại Geneva, Thụy Sỹ; các Hội thảo quốc tế về chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới, Hội thảo quốc tế về bảo đảm quyền các nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu và Hội thảo quốc tế nhân dịp kỷ niệm Ngày nhân quyền quốc tế và khởi động tiến trình UPR chu kỳ IV.

Bên cạnh đó, việc phát huy các cơ chế trao đổi, đối thoại, hợp tác song phương về quyền con người với các nước như Mỹ, EU, và một số nước khác cũng được thực hiện một cách tích cực và hiệu quả. Qua đó thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, tăng cường hợp tác trên các vấn đề quyền con người cùng quan tâm.

Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò tích cực, chủ động tại các diễn đàn đa phương về quyền con người

Việt Nam đóng vai trò tích cực trong bảo vệ và phát huy những giá trị, thành tựu về quyền con người. (Ảnh: Minh Trường) 

Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định, trong năm 2023, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò tích cực tại các diễn đàn đa phương về quyền con người, trong đó nổi bật là đảm nhiệm vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Theo dự kiến, HĐNQ sẽ tổ chức ba khóa họp thường kỳ với tổng thời lượng là 10 tuần, vào khoảng tháng 3, 6 và 9/2023, trong đó sẽ tổ chức Phiên thảo luận cấp cao với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao các nước vào Khóa họp tháng 3/2022. Ngoài ra, trong năm HĐNQ cũng có thể tiến hành các khóa họp đặc biệt nếu được ít nhất 1/3 quốc gia thành viên (16/47 nước) ủng hộ. Các Khóa họp của HĐNQ sẽ xem xét và thông qua nhiều nội dung quan trọng, ngày càng gắn trực tiếp hơn với các trọng tâm của LHQ và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, như phát triển bền vững (thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững), ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, các nhóm thiểu số, người di cư...). Đồng thời, HĐNQ xem xét, thảo luận về tình hình tại hầu hết các điểm nóng, các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang có nguy cơ xảy ra vi phạm quyền con người trên phạm vi toàn thế giới.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam tại HĐNQ LHQ và các diễn đàn đa phương khác về quyền con người, bao gồm: (i) Đề cao các nguyên tắc, tôn chỉ, mục đích của Hiến chương LHQ, chức năng, nhiệm vụ của HĐNQ và các cơ chế của Hội đồng, đóng góp vào nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng; (ii) Bảo vệ các nhóm dễ tổn thương và đấu tranh chống bạo lực và phân biệt đối xử với các nhóm này; (iii) Thúc đẩy bình đẳng giới; (iv) Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trong việc bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; (v) Thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trong thời đại chuyển đổi số; (vi) Thúc đẩy việc bảo đảm quyền sức khỏe, nhất là các nội dung liên quan đến quyền con người trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; (vii) Thúc đẩy và bảo đảm quyền của người dân có việc làm thỏa đáng, đóng góp vào nỗ lực chung thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển Bền vững; (viii) Thúc đẩy và bảo đảm quyền giáo dục có chất lượng, trong đó bao gồm cả giáo dục về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật.

Tiếp tục thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người, trong đó tiến hành xây dựng và nộp Báo cáo UPR chu kỳ IV; phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan triển khai tốt, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người và công tác xây dựng, nộp và bảo vệ đúng hạn các Báo cáo quốc gia thực hiện các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên như các Công ước ICCPR, CAT, CERD, CRPD, CEDAW.

Tiếp tục triển khai công tác thông tin, tuyên truyền thành tựu của Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, các nỗ lực và thành tựu của ta trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quyền con người…, và các vấn đề khác được cộng đồng quan tâm, góp phần đấu tranh trung hòa, bác bỏ những thông tin xuyên tạc, một chiều.

Những dấu ấn đối ngoại quan trọng về bảo đảm, bảo vệ quyền con người của Việt Nam là những giá trị không thể phủ nhận, tiếp tục khẳng định nỗ lực, trách nhiệm của Việt Nam trong hành trình cùng nhân loại bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Với vị thế hiện nay, trong năm 2023, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng, công tác đối ngoại về quyền con người sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung nhằm cải thiện quyền con người không riêng ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Những nỗ lực đó sẽ góp phần khẳng định hình ảnh Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người bởi “Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên hợp quốc”./.

 
T.Lan
346 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 646
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 646
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87027613