Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Ảnh: VGP/HT
Kể từ khi thành lập văn phòng UNDP tại Hà Nội vào năm 1978, sự hợp tác giữa UNDP và Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, với sự hỗ trợ vô giá trong thời kỳ khó khăn về kinh tế và chuyển đổi.
Khi mới thành lập, UNDP là một trong số ít các kênh hỗ trợ quốc tế và chuyên môn dành cho Việt Nam, khi đất nước còn đang có rất ít đại diện của nước ngoài. UNDP đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của Việt Nam, tập trung vào các nỗ lực khôi phục và tái thiết đất nước, đồng thời, thiết lập các hệ thống, công nghệ và năng lực cơ bản cho phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm.
Thông qua mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, UNDP đã đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ từng bước thực hiện cải cách, mở đường cho quá trình phát triển của Việt Nam từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Khi Việt Nam bắt tay vào công cuộc đổi mới vào cuối những năm 1980 và 1990, UNDP đã giúp giới thiệu các nguyên tắc kinh tế thị trường và tăng cường năng lực quản lý kinh tế của Chính phủ. UNDP hỗ trợ Chính phủ thiết lập các mối quan hệ với các đối tác phát triển song phương và đa phương, như Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế đầu tiên của Việt Nam tại Paris năm 1993.
Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi phát biểu tại lễ kỷ niệm - Ảnh: VGP/HT
Một minh chứng khác cho sự hỗ trợ hiệu quả của UNDP đối với Việt Nam là việc xây dựng Luật Doanh nghiệp, đánh dấu cột mốc đột phá trong việc thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp. Được ban hành vào năm 2000, Luật Doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp tư nhân, tạo ra hơn một triệu việc làm trong vòng ba năm.
Từ các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (2000-2015) đến các Mục tiêu Phát triển bền vững hiện nay (2015-2030), UNDP đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác nhằm mở rộng các lựa chọn cho người dân và đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận bình đẳng với cơ hội để phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Tổng kết về thành tựu của 45 năm hợp tác giữa UNDP và Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, kể từ tháng 5 năm 1978 tới nay, UNDP luôn kề vai sát cánh với Việt Nam trong suốt chặng đường phát triển, từ một nước nghèo bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh trở thành nước có thu nhập trung bình, đi đầu trong nỗ lực giảm nghèo và tăng trưởng. Bên cạnh đó, các phương thức hợp tác giữa UNDP và Việt Nam trong suốt 45 năm qua đã có nhiều thay đổi, phù hợp hơn với trình độ phát triển của Việt Nam. Từ những dự án "cầm tay chỉ việc", tới nay, các dự án đã dần chuyển sang phương thức phối hợp mang tính đối tác, thúc đẩy quốc gia làm chủ và dựa trên các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.
"Với nỗ lực chung, cùng đóng góp vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, Chính phủ Việt Nam luôn coi UNDP là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, lâu dài và thực sự là người bạn thân thiết, hợp tác vì lợi ích của nhân dân Việt Nam, vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới" Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Trưởng Đại diện thường trú UNDP Ramla Khalidi nhấn mạnh ba yếu tố đóng góp vào thành công của quan hệ đối tác UNDP-Việt Nam, đó là lòng tin, những giá trị chung và sự cởi mở.
"Từ lâu Việt Nam và UNDP đã nỗ lực phát triển lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trong những năm qua, sự tin tưởng đã cho phép chúng ta mở rộng quan hệ đối tác sang những lĩnh vực mới về thương mại, hỗ trợ khu vực tư nhân, hành động khí hậu và quản trị công. Ngày nay, khi Việt Nam mong muốn đạt được vị thế quốc gia tiên tiến trong vòng một thế hệ và phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, sự hỗ trợ toàn diện của UNDP vẫn cần thiết như trước", đại diện UNDP nói.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác, Việt Nam và UNDP tái khẳng định cam kết hợp tác, chung tay xây dựng một Việt Nam xanh, thịnh vượng và kiên cường, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ngọc Thắng