Việt Nam trong quan hệ quốc tế: Từ ‘tham gia tích cực’ đến 'định hình luật chơi’ 

(Chinhphu.vn) - Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ trương tăng cường và nâng tầm tham gia các hoạt động đa phương, đó là tham gia xây dựng và định hình luật chơi, tham gia thúc đẩy các tiến trình, các thể chế đa phương, phục vụ cho lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới dựa trên mục tiêu chung là hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác phát triển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cùng có lợi và bình đẳng giữa các bên liên quan.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, điểm lại 5 năm qua cho thấy, quan hệ đối ngoại của Việt Nam và các đối tác lớn, quan trọng không chỉ phát triển về chiều rộng mà còn được làm sâu sắc cả về chiều sâu, có được sự tin cậy mọi mặt chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng. Các đối tác đều đánh giá cao và nhìn nhận vai trò và vị thế của Việt Nam.

2020 - Năm của những quan hệ đỉnh cao

Trong 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, phát triển bền vững giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện với 2 hiệp định thương mại tự do (EVFTA và IPA) được ký kết đã trở thành trụ cột trong phát triển quan hệ giữa hai bên cũng như nâng tầm quan hệ của Việt Nam với EU trong hợp tác về hòa bình, an ninh thế giới.

Năm 2020 là năm đánh dấu quan hệ đỉnh cao của Việt Nam với các đối tác lớn, đặc biệt với Hoa Kỳ và Trung Quốc khi Việt Nam, Trung Quốc kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và Việt Nam, Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Thương mại của Việt Nam với hai nước lớn đều tăng trưởng cao. Ngoài ra, quan hệ song phương Việt Nam với Nga, mối quan hệ của tình hữu nghị thủy chung, son sắt đã trải qua suốt chiều dài lịch sử 70 năm, cũng ngày càng được thắt chặt.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với hơn 30 nước; có quan hệ thương mại với hơn 50 đối tác. Những năm qua, công cuộc hội nhập và phát huy vai trò quốc tế của Việt Nam được các nước đánh giá rất cao, đặc biệt rõ rệt từ khi Việt Nam là nước chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Quan hệ của Việt Nam với các đối tác, đặc biệt trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương ngày càng gắn kết chặt chẽ, qua đó thúc đẩy xây dựng khu vực này thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển, bảo đảm hòa bình, an ninh, tự do hàng hải ở Biển Đông, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982.

Việt Nam đã cùng ASEAN duy trì được vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, tránh bị rơi vào bẫy cạnh tranh nước lớn; có tiếng nói quan trọng về những vấn đề nguyên tắc, liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, những năm qua và cả năm 2020, vẫn có những hành vi trái với luật pháp quốc tế như xâm phạm đến thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, tôn tạo các đảo nhân tạo, quân sự hóa ở khu vực này..., khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp. Trong các mối quan hệ với các đối tác, Việt Nam luôn thể hiện rõ quan điểm và những nguyên tắc của mình là bất cứ một việc gì, bao gồm cả những hành vi hoạt động trên biển, những hành vi hợp tác khai thác trên biển hay những yêu sách đòi hỏi chủ quyền đều phải tuân thủ và dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển. Lập trường này của Việt Nam nói riêng và của ASEAN được rất nhiều nước cũng như dư luận ở khu vực và thế giới ủng hộ.

Nhìn lại cả một nhiệm kỳ vừa qua, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam, cũng như việc hội nhập và tham gia các hoạt động quốc tế của Việt Nam đã có tác động tăng cường hơn nữa sự hợp tác của Việt Nam với các đối tác lớn, quan trọng của mình.

Chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” đến “tham gia định hình luật chơi”

Theo ông Phạm Quang Vinh, sau một thời gian hội nhập, với việc thúc đẩy các quan hệ quốc tế trên bình diện đa phương nói riêng, vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được tăng cường. Trong những năm qua, Việt Nam cũng đã chủ trương nâng tầm tham gia các hoạt động đa phương, đó là tham gia xây dựng và định hình luật chơi, tham gia thúc đẩy các tiến trình, các thể chế đa phương, phục vụ cho lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới dựa trên mục tiêu chung là hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trên cơ sở cùng có lợi và bình đẳng giữa các bên liên quan.

Để Việt Nam có thể tham gia hội nhập sâu rộng hơn, chủ động hơn trong vai trò kiến tạo cũng như dẫn dắt, định hình các luật chơi quốc tế và định hướng cho các hoạt động của các tổ chức mà Việt Nam tham gia, cũng cần nhìn lại một chiều dài hơn 35 năm đổi mới của Việt Nam. Việt Nam đã giữ được bình ổn đất nước, đổi mới để không chỉ là điểm đến hấp dẫn về mặt đầu tư, mà còn nâng cấp nền kinh tế đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng hơn với thế giới và gắn chặt với các chuỗi cung ứng toàn cầu, trên cơ sở hợp tác cùng có lợi.

Chính quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập tích cực của Việt Nam trong chiều dài lịch sử đã giúp các nước khác tin cậy Việt Nam, đánh giá cao Việt Nam, ngay cả trong ASEAN hay ở Liên Hợp Quốc, từ đó, Việt Nam giành được sự tin cậy và uy tín để có thể tham gia chủ động dẫn dắt, kiến tạo, định hình, định hướng cho các hoạt động đa phương hay các thể chế tại diễn đàn đa phương.

Một bối cảnh đặc biệt khác đó là năm 2017 dấy lên trào lưu chống lại toàn cầu hóa, chống lại chủ nghĩa đa phương hay làm giảm nhẹ chủ nghĩa đa phương trên thế giới, không chỉ về chính trị mà cả về kinh tế thương mại, sự thay đổi chính quyền ở Hoa Kỳ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền với những chủ trương rất mới trong cách tiếp cận các vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu, thương mại và tự do hóa thương mại, chủ nghĩa đa phương. Mỹ rút ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Mỹ rà soát lại việc tham gia những thể chế đa phương của mình như rút khỏi UNESCO, TPP…

Nhưng trong năm 2017, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình với tư cách nước chủ nhà APEC 2017. Trong bối cảnh giữa các nước có sự khác biệt với nhau, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai trọng trách chủ nhà APEC bắt đầu từ tháng 1/2017 cho đến khi diễn ra Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 cùng năm, để tất cả các nhà lãnh đạo chủ chốt APEC đều có mặt dự Hội nghị quan trọng này tại Việt Nam, trong đó có lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhất là sự tham gia của Tổng thống mới của nước Mỹ Donald Trump.

Trong bối cảnh quan điểm và những điều chuyển chính sách của các nước với những phức tạp, nhiều chiều như vậy, Việt Nam đã ra được Tuyên bố rất quan trọng về thúc đẩy hợp tác trong APEC, thúc đẩy tự do hóa thương mại khu vực này, thúc đẩy những trật tự dựa trên luật lệ trong kinh tế, thương mại. Điều đó cho thấy, vai trò điều phối, kết nối và năng lực thuyết phục rất quan trọng của Việt Nam.

Việt Nam cùng các nước hoàn tất CPTPP, sau khi Mỹ rút khỏi TPP, là một bước tiến lớn, cho thấy việc duy trì FTA thế hệ mới, chất lượng cao hơn, làm định hướng cho hội nhập ở mức cao hơn trong khu vực và thế giới. Việc Việt Nam cùng các nước thông qua RCEP cho thấy khả năng dẫn dắt của Việt Nam, mà hơn cả là sự ủng hộ chủ nghĩa đa phương, ủng hộ tự do hóa thương mại, ủng hộ liên kết kinh tế của Việt Nam.

Không thể không nhắc đến năm 2020, khi Việt Nam đảm nhận vai trò kép cả ở HĐBA Liên Hợp Quốc và ASEAN. Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam diễn ra trong một bối cảnh chưa từng có, trước vô vàn khó khăn khi toàn thế giới phải chứng kiến rất nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhất là đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã làm được những việc đáng ghi nhận là kịp thời cảnh báo về đại dịch COVDI-19 khi cả thế giới còn chưa có sự đề phòng đúng mức. Tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN cảnh báo về đại dịch, kêu gọi các nước chung tay phòng chống như một thông điệp quan trọng. Tiếp đó là hàng loạt hội nghị của ASEAN với những ưu tiên đều tập trung vào phòng chống dịch. Những cảnh báo sớm, kịp thời chung tay hợp tác đó đã đánh dấu vai trò chủ động, trách nhiệm của một nước Chủ tịch ASEAN.

Trước những thách thức chưa từng có, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được “mạch sống” của ASEAN, duy trì được các tiến trình tham vấn, tổ chức hội nghị để ASEAN có thể thống nhất chương trình nghị sự, chương trình hành động và những Tuyên bố quan trọng của Hiệp hội trong hợp tác về các lĩnh vực ưu tiên của khu vực. Để làm được điều đó, Việt Nam đã kịp thời thích ứng và có sáng kiến chuyển từ hình thức hội nghị trực tiếp sang hình thức trực tuyến. Việt Nam đã thể hiện rất thành công vai trò Chủ tịch ASEAN với rất nhiều hội nghị mang lại kết quả rất thực chất, trong đó thực chất nhất là Tuần lễ cấp cao diễn ra vào tháng 11/2020 của ASEAN với hơn 20 hoạt động cấp cao chính, hơn 80 văn kiện quan trọng được ký kết trên toàn diện những vấn đề ưu tiên của ASEAN.

Ngoài ra, Việt Nam đã phối hợp định hướng cho ASEAN tập trung vào những nỗ lực xử lý ngay những vấn đề cấp bách đang đặt ra với khu vực, đó là phòng chống đại dịch COVID-19 cùng với xử lý những hệ lụy liên quan, trong đó có phục hồi kinh tế.

Mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam vẫn cùng các nước ASEAN bám sát những lĩnh vực ưu tiên đã đề ra cho năm 2020, tích cực thúc đẩy gắn kết ASEAN với các đối tác. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, đã diễn ra lễ ký văn kiện mở rộng để Colombia, Nam Phi và Cuba tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), nâng tổng số nước và tổ chức tham gia TAC đến nay lên con số 43; ASEAN và EU nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược… Có thể nói, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, năm 2020 là một năm ASEAN thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao nhất từ trước tới nay.

Không chỉ ứng phó với các vấn đề khẩn cấp, Việt Nam còn tham vấn với các nước, định hướng cho ASEAN trong tình hình mới, thúc đẩy ASEAN phát triển sau Tầm nhìn 2025. Việt Nam cùng các nước ASEAN xây dựng tầm nhìn sau 2025 cho ASEAN là sự chuẩn bị một tâm thế mới cho ASEAN.

Đẩy mạnh phát triển nền kinh tế chất lượng cao

Ông Phạm Quang Vinh cho rằng, năm 2021 vẫn sẽ còn nhiều khó khăn. Mặc dù Việt Nam đã chủ động nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 nhưng đại dịch chưa thể kết thúc ngay cho nên việc triển khai nhiệm vụ kép vẫn phải được duy trì. Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa các nước lớn cũng sẽ diễn biến khó lường; Hoa Kỳ thay đổi chính quyền vào năm 2021 nên trong cục diện đó vẫn cần theo dõi thêm xu hướng cạnh tranh Mỹ- Trung. Các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, Mekong, các vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ… vẫn sẽ xảy ra và thách thức phía trước vẫn còn rất lớn. Trong tình hình đó, Việt Nam vẫn cần phối hợp chặt chẽ với nước Chủ tịch ASEAN 2021 và các nước trong ASEAN, các đối tác, tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực này.

Sắp tới, sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta cần xây dựng những định hướng mới để phát triển trong nước cũng như tham gia các hoạt động quốc tế, qua đó phải nâng cao hơn nữa để vừa phát huy và tăng cường vị thế của Việt Nam, vừa triển khai những quyết sách của Đại hội Đảng lần thứ XIII cả về chiến lược đối ngoại, hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực bộ máy của Việt Nam. Việc hội nhập và tham gia đa phương quốc tế không chỉ là chính sách đối ngoại mà phải là sự kết hợp cả bên trong và bên ngoài, có thể gọi là chiến lược hội nhập quốc tế nằm trong chiến lược phát triển an ninh quốc gia.

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phải nâng cao chất lượng nền kinh tế không chỉ dựa trên lao động giá rẻ mà phải dựa trên tăng năng suất lao động, dựa trên công nghệ, chất xám, đồng thời đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển trung bình đến trung bình cao. Điều này buộc Việt Nam phải tìm cách để đẩy mạnh sự phát triển nền kinh tế theo hướng phát triển về chất. Khi nền kinh tế được vận hành với chất lượng cao hơn và hướng tới mục tiêu cao hơn thì nhu cầu hội nhập cũng phải có chất lượng cao hơn. Chẳng hạn Việt Nam sẽ chỉ tham gia vào các phân khúc của chuỗi cung ứng toàn cầu ở những điểm chất lượng cao hơn và có lợi hơn cho Việt Nam. Do đó, đòi hỏi sự nỗ lực và thay đổi rất lớn của Việt Nam. Đây cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho những người làm công tác đối ngoại.

Chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ sẽ luôn xuyên suốt, nhưng bên cạnh đó, phải đi cùng với lợi ích quốc gia và dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn, thế giới đang ngày càng phức tạp.

Qua đại dịch COVID-19, tất cả các nước đều thấy cần có sự kết hợp giữa kinh tế truyền thống với kinh tế số, cách mạng công nghệp lần thứ tư. Từ lợi thế của mình, Việt Nam phải nắm bắt cơ hội để vượt qua khỏi bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ bị tụt hậu. Việt Nam cần giữ được môi trường phát triển của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi cạnh tranh Trung-Mỹ có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào khu vực này. Việt Nam cũng như các nước trong khu vực cần duy trì bằng được môi trường khu vực hòa bình, ổn định, phục vụ cho hợp tác và phát triển kinh tế cũng như an ninh của Việt Nam.

Hồng Nguyên (thực hiện)

422 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 905
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 905
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87191333