Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Lào 

(ĐCSVN) - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao việc hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Lào lần đầu tiên tổ chức Hội thảo về công tác ngoại giao kinh tế, cho rằng sáng kiến này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang chứng kiến nhiều chuyển biến sâu sắc, phức tạp và cả hai nước đều đang tích cực triển khai chính sách hội nhập quốc tế và khu vực toàn diện, sâu rộng.

 

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Xạ-lởm-xay Côm-ma-xít (Saleumxay Kommasith) thăm chính thức và đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 6 tại Việt Nam từ ngày 23-26/12.

 Các đại  biểu Việt Nam- Lào tham dự “Hội thảo về công tác ngoại giao kinh tế của Việt Nam và Lào trong tình hình mới: thực tiễn và bài học kinh nghiệm” 
 

Sáng ngày 24/12/2019, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Lào Xạ-lởm-xay Côm-ma-xít, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Lào đã tiến hành “Hội thảo về công tác ngoại giao kinh tế của Việt Nam và Lào trong tình hình mới: thực tiễn và bài học kinh nghiệm” với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Lào Xạ-lởm-xay Côm-ma-xít và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao việc hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Lào lần đầu tiên tổ chức Hội thảo về công tác ngoại giao kinh tế, cho rằng sáng kiến này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang chứng kiến nhiều chuyển biến sâu sắc, phức tạp và cả hai nước đều đang tích cực triển khai chính sách hội nhập quốc tế và khu vực toàn diện, sâu rộng. Thứ trưởng đánh giá cao kinh tế của Việt Nam và Lào đạt những thành tựu đáng khích lệ; hợp tác kinh tế hai nước được thúc đẩy cả về bề rộng và chiều sâu, đạt nhiều thành tựu, đáng lưu ý kim ngạch thương mại hai chiều cả năm 2019 ước đạt 1,1 – 1,2 tỷ USD, tăng 12,6% so với năm 2018, vượt mục tiêu hai Chính phủ đề ra; Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Lào với hơn 400 dự án và tổng vốn đầu tư 4,22 tỷ USD. Thứ trưởng cũng chỉ ra công tác ngoại giao kinh tế hai nước trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sức ép về  việc tăng cường kim ngạch thương mại và cải thiện chất lượng đầu tư song phương, phối hợp đàm phán và tham gia các Hiệp định thương mại thế hệ mới…Thứ trưởng đánh giá cao và đề nghị hai Bộ Ngoại giao tăng cường hợp tác hơn nữa trong công tác nghiên cứu, tham mưu, khuyến nghị chính sách, chủ động đưa ra nhiều sáng kiến cho hợp tác kinh tế giữa hai nước, cả khuôn khổ song phương và đa phương. 

Bộ trưởng Ngoại giao Lào Xạ-lởm-xay Côm-ma-xít khẳng định một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Ngoại giao Lào là thúc đẩy ngoại giao kinh tế, mong Việt Nam tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đặc biệt là hội nhập kinh tế khu vực và phát triển nguồn nhân lực. Bộ trưởng khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao Lào sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Việt Nam tăng cường trao đổi thông tin và đánh giá về tình hình kinh tế thế giới, khu vực cũng như các kinh nghiệm về công tác ngoại giao kinh tế; xem xét thiết lập cơ chế tham vấn định kỳ về ngoại giao kinh tế với cấp phù hợp; chú trọng hơn nữa việc phối hợp đưa các nội dung hợp tác kinh tế thực chất vào nội dung trao đổi và chương trình làm việc của Lãnh đạo cấp cao nhân các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các sự kiện đối ngoại lớn; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa tham vấn, phối hợp giữa hai Bộ Ngoại giao nói riêng và giữa hai nước nói chung trong khuôn khổ các diễn đàn kinh tế đa phương, đặc biệt là ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, các cơ chế tiểu vùng, WTO, ASEM, RCEP và trong đàm phán các FTA thế hệ mới khác, nhất là trong năm sau khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Lào là chủ nhà của các cơ chế tiểu vùng quan trọng như CLV, CLMV, ACMECS cũng như điều phối viên quan hệ ASEAN – Mỹ trong khi ASEAN cơ bản hoàn thành Tầm nhìn 2020, bước sang giai đoạn hội nhập mới. 

Các tham luận tại hội thảo có nội dung thực chất, phong phú, cung cấp đánh giá đa chiều, toàn diện về tình hình triển khai công tác ngoại giao kinh tế của hai nước cũng như các tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này. Các đại biểu tham dự của cả Việt Nam và Lào thảo luận sôi nổi, nêu nhiều đề xuất cụ thể nhằm tăng cường hợp tác ngoại giao kinh tế giữa hai Bộ Ngoại giao trong thời gian tới. 

Kết thúc hội thảo, hai bên nhất trí sẽ cụ thể hóa các nội dung trao đổi trong Chương trình Hành động về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Lào về thúc đẩy hơn nữa ngoại giao kinh tế trong giai đoạn mới./.

 
 
Mạnh Hùng
272 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 606
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 606
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78063796