Việt Nam ghi nhận thêm 7.455 ca mắc COVID-19
|
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến tối 2/8 |
Trong ngày 02/8 ghi nhận 7.455 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 7.445 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (4264), Bình Dương (949), Long An (445), Đồng Nai (380), Khánh Hòa (286), Cần Thơ (221), Hà Nội (159), Bà Rịa - Vũng Tàu (132), Tiền Giang (79), Đồng Tháp (77), Đà Nẵng (76), Vĩnh Long (50), Bình Thuận (46); Trà Vinh (31), Phú Yên (25), Bình Định (21), Nghệ An (21), Ninh Thuận (19), Quảng Nam (19), Kiên Giang (18), An Giang (17), Đắk Lắk (14), Ninh Bình (13), Đắk Nông (12), Hậu Giang (11), Hà Tĩnh (10), Thanh Hóa (9), Bình Phước (8 ), Gia Lai (7), Sơn La (6), Thừa Thiên Huế (4), Vĩnh Phúc (3), Lạng Sơn (3), Quảng Ngãi (3), Lâm Đồng (2), Hà Nam (2), Quảng Bình (2), Hưng Yên (1) trong đó có 2.344 ca trong cộng đồng.
Bộ Y tế đã vận động, huy động lực lượng chống dịch với gần 10.000 người tại Thành phố Hồ Chí Minh (8.293 người), Bình Dương (1.134 người) và các tỉnh thuộc khu vực phía Nam. Trong đó lực lượng của Bộ Y tế với gần 8.000 người; các tỉnh, thành phố khác khoảng gần 2.000 người.
Bộ Y tế thành lập Tổ công tác điều phối máy thở phục vụ điều trị người bệnh COVID-19 toàn quốc do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Tổ trưởng.
Việt Nam tiếp nhận thêm 1,188 triệu liều vaccine phòng COVID-19
|
Thêm 1,188 triệu liều vaccine COVID-19 AstraZeneca từ Cơ chế COVAX về đến Việt Nam |
Chiều 2/8, thông tin từ UNICEF cho biết, thêm 1.188.000 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca từ Cơ chế COVAX về đến Việt Nam nâng tổng số vaccine COVID-19 hỗ trợ cho Việt Nam lên 8.681.300 liều.
Trong số 8.681.300 liều vaccine do COVAX hỗ trợ Việt Nam, có 5.000.100 liều vaccine Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 3.681.200 liều AstraZeneca.
COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh Vaccine và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) đồng khởi xướng. UNICEF là đối tác thực hiện chính.
Đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm hơn 6,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có 659.064 người đã được tiêm liều thứ hai. Nguồn vaccine bổ sung sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I năm 2022.
Khởi tố vụ án sai phạm trong cổ phần hóa Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1
Ngày 2/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can liên quan đến những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Bộ Giao thông vận tải).
Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03) đang điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc cổ phần hóa Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Bộ Giao thông vận tải) thành Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông - Công ty Cổ phần.
Căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định: Trong quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Bộ Giao thông vận tải), Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 đã có hành vi bỏ ngoài giá trị doanh nghiệp một số tài sản trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Ngày 2/8/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty Cổ phần và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam 3 đối tượng, gồm: Phạm Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1); Cấn Hồng Lai (nguyên Tổng Giám đốc, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1); Lê Văn Long (nguyên Kế toán trưởng Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1) cùng về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Indonesia tuyên bố đã tránh được “kịch bản tồi tệ nhất”
|
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 2/8, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết kịch bản tồi tệ nhất về số ca mắc COVID-19 đã không xảy ra tại quốc gia này.
Phát biểu họp báo trên kênh Youtube chính thức của Phủ tổng thống, Bộ trưởng Budi nêu rõ chính phủ nước này dự báo số ca mắc mới COVID-19 có thể lên tới 70.000 ca mỗi ngày, tuy nhiên tới nay số ca mắc cao nhất chỉ lên đến 50.000 ca. Theo ông Budi, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm mạnh dù tỷ lệ xét nghiệm hằng ngày vẫn ở mức cao. Cụ thể, số lượng xét nghiệm COVID-19 hiện đạt trung bình 200.000 mẫu mỗi ngày, tăng hơn gấp đôi so với mức 60.000-70.000 mẫu trước đó. Bộ Y tế Indonesia cam kết sẽ tiếp tục tăng số lượng xét nghiệm hằng ngày lên mức 300.000-400.000 mẫu theo chỉ đạo của Tổng thống Joko Widodo.
Trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy giường tại các bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 cũng đã sụt giảm. Tỷ lệ này hiện chỉ ở mức khoảng 60% tại thủ đô Jakarta, 40% tại Bandung và 82% tại tỉnh Đông Java.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Y tế Budi vẫn đề nghị người dân tiếp tục cảnh giác bởi sự lây lan của dịch COVID-19 hiện nay ngày càng khó lường và có thể xảy ra ở bất cứ đâu./.