Việt Nam tiếp nhận hơn 800.000 liều vaccine phòng COVID-19 

(Chinhphu.vn) - Việt Nam vừa tiếp nhận 811.200 liều vaccine phòng bệnh COVID-19 đầu tiên từ Chương trình COVAX Facility, với sự hỗ trợ của các tổ chức UNICEF, WHO, GAVI và CEPI. Dự kiến, 3.364.800 liều tiếp theo từ COVAX Facility tài trợ sẽ được cung ứng vào tháng 5/2021.

 

Toàn bộ 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19 sẽ được COVAX cung cấp miễn phí cho Việt Nam, thông qua tổ chức UNICEF mua và cung ứng. Ảnh VGP

Các lô còn lại trong cam kết 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của COVAX Facility sẽ về đến Việt Nam vào cuối năm nay và đầu năm 2022. Toàn bộ 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19 sẽ được COVAX Facility cung cấp miễn phí cho Việt Nam, thông qua tổ chức UNICEF mua và cung ứng. COVAX Facility bao gồm các tổ chức GAVI, CEPI, WHO và UNICEF, được thành lập với mục tiêu đảm bảo tiếp cận công bằng của các quốc gia trên thế giới với vaccine COVID-19, đặc biệt cho các nhóm ưu tiên.

Đây là sáng kiến toàn cầu duy nhất cùng chung tay hợp tác với các chính phủ và các nhà sản xuất nhằm đảm bảo vaccine COVID-19 được cung cấp cho các quốc gia có thu nhập cao và các quốc gia thu nhập thấp.

Theo các chuyên gia, để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đặc biệt là với sự lây lan của các biến chủng của virus SARS-CoV-2, độ bao phủ hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 phải đạt tới 75% dân số thế giới. Bên cạnh mục tiêu chính và kỳ vọng mở cửa và phát triển kinh tế trở lại, thì đây là thời điểm lịch sử quan trọng, thời điểm mà một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, phức tạp nhất và chưa từng có đang được tiến hành trên toàn cầu.

Đã có hơn 32 triệu liều vaccine do COVAX Facility cung cấp đã được chuyển đến 63 quốc gia chỉ trong vòng một tháng. Mặc dù đợt vaccine đầu tiên do COVAX Facility hỗ trợ đã về đến Việt Nam, tuy nhiên theo các chuyên gia y tế sẽ cần phải có thời gian để tiến hành tiêm chủng cho phần lớn dân số. Vì vậy, trong lúc này, điều quan trọng nhất là mọi người phải tuân thủ hướng dẫn về sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách để giảm thiểu rủi ro lây lan virus.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam vì những nỗ lực vượt bậc để tạo điều kiện đưa vaccine của COVAX về Việt Nam. “Tôi ghi nhận nỗ lực của tất cả các đối tác Chính phủ, trong và ngoài ngành y tế. Tôi đã thấy được sự chuẩn bị chu đáo cho việc tiếp nhận vaccine, từ việc xác định các nhóm ưu tiên, tập huấn cho nhân viên y tế, thu xếp hệ thống vận chuyển phân phối vaccine đến các tỉnh và thông tin đầy đủ cho công chúng. Vaccine đến có nghĩa là nhiêu nhân viên tuyến đầu và những người có nguy cơ cao có thể được tiêm vaccine và được bảo vệ. WHO sẽ tiếp tục làm việc cùng với các đối tác để đảm bảo vaccine đến được tới những người cần nhất”, Tiến sĩ Kidong Park.

Vaccine do UNICEF mua và cung ứng thông qua COVAX Facility nhằm hỗ trợ triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ Việt Nam về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam , dự kiến sẽ cung cấp đủ vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm ưu tiên thuộc 20% dân số Việt Nam. Bà Rana Flowers, đại diện tổ chức UNICEF cho biết sẽ hợp tác cùng với Bộ Y tế Việt Nam trong việc hỗ trợ lập kế hoạch, đào tạo và truyền thông, cũng như mua và cung cấp thêm bơm kim tiêm, hộp an toàn và tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vaccine.

811.200 liều vaccine phòng bệnh COVID-19 đầu tiên từ Chương trình COVAX Facility đã đến Việt Nam. ẢNh VGP

 

Vaccine phòng COVID-19 cung ứng cho Việt Nam do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển và ủy quyền cho SK Bioscience tại Hàn Quốc sản xuất. Vaccine AstraZeneca/Oxford COVID-19 đã được tổ chức WHO cấp phép sử dụng trong tình huống khẩn cấp và đã được sử dụng tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết lô vaccine tài trợ của COVAX Facility sẽ được phân phối đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, triển khai tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, đặc biệt ưu tiên cho các tỉnh biên giới Tây Nam để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Công tác tiêm chủng của Việt Nam được thực hiện cao 1 mức so với thế giới từ tiến hành sàng lọc trước tiêm, theo dõi sau tiêm đến xử lý các trường hợp phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng, để bảo đảm an toàn tối đa. Các điểm tiêm chủng đều tuân thủ quy định của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn tiêm chủng. Đến nay đã hơn 50.000 người được tiêm chủng. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm ở mức cho phép theo khuyến cáo của nhà sản xuất vaccine. Một số trường hợp phản vệ độ 2 được phát hiện, xử lý kịp thời theo đúng quy định của Bộ Y tế và sức khoẻ những trường hợp này đều đã bình phục.

Thuý Hà

138 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 827
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 828
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77251258