Việt Nam tiến vượt bậc trong hàng loạt xếp hạng toàn cầu 

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ KH&ĐT, sau hơn ba năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đã có sự cải thiện và tăng hạng đáng kể, vượt bậc.

Nhận định được Bộ này đưa ra trong các báo cáo gửi Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9 đang diễn ra.

Bộ dẫn báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, theo đó Việt Nam được xếp hạng thứ 55/137 nền kinh tế (tăng 5 bậc, vượt qua Philippines và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN). Tính chung trong 5 năm, Việt Nam tăng tới 20 bậc. Xếp thứ 55 cũng là vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Trước đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2017, Việt Nam tăng 9 bậc, từ vị trí thứ 91 lên vị trí thứ 82/190 nền kinh tế; duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất kể từ năm 2008.

Tháng 6/2017, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Báo cáo Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017 (GII 2017), theo đó Việt Nam ở vị trí 47/127 nền kinh tế, tăng 12 bậc so với vị trí thứ 59 của năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016). Trong ASEAN, Việt Nam vươn lên và đứng trên Thái Lan (vị trí 51).

Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã giúp số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức tăng cao nhất từ năm 2013 tới nay. Trong 9 tháng, cả nước có thêm 93.967 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 902.680 tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Vì sao Việt Nam thăng hạng?

Phân tích cụ thể hơn về việc Việt Nam tăng 5 bậc năng lực cạnh tranh theo xếp hạng mới đây của WEF, Bộ KH&ĐT cho biết Việt Nam có 5/12 chỉ số trụ cột tăng điểm và 6/12 chỉ số trụ cột tăng bậc. Trong đó, chỉ số Mức độ sẵn sàng về công nghệ có mức tăng điểm và tăng bậc nhiều nhất (13 bậc, từ vị trí 92 lên vị trí 79); tiếp đến là chỉ số Phát triển thị trường tài chính (tăng 7 bậc).

Tuy vậy, vẫn còn nhiều trụ cột chưa được cải thiện hoặc mức độ cải thiện chưa bền vững. Cụ thể là trụ cột Thể chế (tăng 3 bậc), Hiệu quả thị trường lao động (tăng 6 bậc), nhưng không tăng điểm. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay cũng chỉ ra rằng đã có một số nước bị giảm điểm trên một vài trụ cột, dẫn tới những trụ cột này của các nước khác có thể tăng hạng dù không tăng điểm.

Trình độ phát triển kinh doanh tuy có mức tăng điểm nhẹ (0,1 điểm), nhưng thứ hạng giảm 4 bậc (từ vị trí 96 xuống vị trí 100). Điều này thể hiện qua sự giảm điểm và giảm bậc về chất lượng và số lượng doanh nghiệp cung ứng, mức độ phát triển cụm ngành.

Vẫn còn 4/12 chỉ số trụ cột giảm bậc, trong đó giảm nhiều nhất là Hiệu quả thị trường hàng hoá (giảm điểm và giảm 10 bậc), thể hiện ở sự suy giảm mức độ cạnh tranh (hiệu lực của chính sách chống độc quyền kém, môi trường kinh doanh không thuận lợi) và chất lượng các điều kiện cầu giảm.

Bộ KH&ĐT nhận định nhìn chung, mặc dù thứ hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng bậc, nhưng chưa bảo đảm tính bền vững, bởi điểm số của một nửa số trụ cột (6/12) vẫn chưa được cải thiện. Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về xếp hạng năng lực cạnh tranh, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Brunei.

Ngoài ra, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng lưu ý rằng có 13 trong số 17 nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương được ghi nhận cải thiện về điểm số, trong đó Indonesia và Brunei có sự thay đổi lớn nhất. Đây cũng là 2 nền kinh tế có sự tăng hạng đáng kể về môi trường kinh doanh năm 2016 theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.

“Bởi vậy, để đạt được mức độ trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế”, Bộ KH&ĐT nhận định.

Nhiều cơ quan tích cực triển khai Nghị quyết 19

Về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 19-2017 trong quý III/2017, Bộ KH&ĐT cho biết các cơ quan gồm: KH&ĐT, Tài chính, KH&CN, Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết và đạt một số kết quả rõ ràng.

Theo đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị cắt giảm khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không hiệu quả; đồng thời kiến nghị thay đổi cách thức quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên các nguyên tắc và thông lệ tốt của các nước OECD.

Bộ Công Thương là một trong số ít bộ đã chủ động thực hiện rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, dự kiến cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (cắt giảm khoảng 55%).

Hiện nay, Bộ Công Thương có số lượng điều kiện kinh doanh lớn nhất, do vậy việc cắt giảm 55% số lượng điều kiện kinh doanh sẽ giảm gánh nặng đáng kể về chi phi, rủi ro và tạo cơ hội kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thực hiện chuyển 420 mã hồ sơ trong tổng số 720 mã hồ sơ phải kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan.

Việc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh và việc chuyển các mã hồ sơ phải kiểm tra chuyên ngành sang giai đoạn sau thông quan của Bộ Công Thương được kỳ vọng sẽ tạo tác động lan toả tới việc thực thi của các bộ, ngành khác.

Văn phòng Chính phủ cũng triển khai tích cực các nhiệm vụ theo yêu cầu của Nghị quyết 19 như nâng cao hiệu quả hoạt động của Diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách của doanh nghiệp và người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn và Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn tiếp tục được vận hành hiệu quả.

Về phía địa phương, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Bắc Giang... là những địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp để thực thi Nghị quyết; có báo cáo chất lượng, bám sát các yêu cầu và nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết. Nhiều địa phương tiếp tục tổ chức các đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp và kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp (như Quảng Ninh, Thanh Hoá...). Một số địa phương thực hiện hiệu quả đường dây nóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phản ánh và được giải đáp, xử lý các vướng mắc (như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh...).

Bộ KH&CN là một trong những bộ tích cực triển khai nhiều hoạt động thực thi Nghị quyết 19, trong đó có nhiệm vụ theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện chỉ số Đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, các nhiệm vụ về cải cách công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành của các bộ chưa được quan tâm thực hiện và chưa có sự chuyển biến so với trước. Theo Bộ KH&ĐT, việc kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết, kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan vẫn đang là gánh nặng và rào cản lớn đối với doanh nghiệp.

Hà Chính

644 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1081
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1081
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87213065