Tham dự có quan chức cao cấp các nước thành viên G20, các nước khách mời (Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan, Chile, Ai Cập và Senegal) và các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hội đồng ổn định tài chính thuộc IMF (FSB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Đây là hội nghị Sherpa đầu tiên trong nhiệm kỳ Nhật Bản là Chủ tịch G20, được tổ chức với mục tiêu khởi động tiến trình chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra từ ngày 28-29/6/2019 tại Osaka, Nhật Bản. Hội nghị rà soát các kết quả G20 đã đạt được, thảo luận các định hướng và trọng tâm nghị sự của G20 trong năm 2019, nhất là các vấn đề trọng tâm sẽ được các nhà lãnh đạo thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20.
Hội nghị Sherpa đã thảo luận hầu hết các vấn đề quan trọng trong nghị sự của G20 kinh tế - tài chính toàn cầu, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững và bao trùm, phát triển kinh tế số trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy cải cách WTO, xử lý các mất cân đối của kinh tế toàn cầu, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề lao động - việc làm, y tế và xã hội…
Hội nghị đánh giá kinh tế thế giới năm 2019 tăng trưởng chậm lại, rủi ro bất trắc tăng lên; nhất trí cần tăng cường hơn nữa phối hợp chính sách toàn cầu để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy liên kết thương mại, đầu tư, duy trì đà cải cách WTO, phối hợp xử lý các vấn đề do Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra.
Hội nghị nhất trí tiếp tục kế thừa và phát huy các kết quả G20 đã đạt được trong những năm vừa qua, ủng hộ các vấn đề và định hướng ưu tiên nước Chủ tịch G20 là Nhật Bản mong muốn thúc đẩy trong nghị sự của G20 trong năm 2019 như thương mại, đổi mới sáng tạo, hạ tầng chất lượng cao, chống biến đối khí hậu và thiên tai, già hóa dân số, tăng cường hợp tác ngăn ngừa rác thải nhựa đại dương, thúc đẩy hình thành “Xã hội 5.0” …
Tại hội nghị, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến có trách nhiệm vào nghị sự của G20. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh sự cần thiết cần tăng cường phối hợp chính sách bảo đảm ổn định kinh tế toàn cầu, thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên cơ sở luật lệ… Thứ trưởng khẳng định Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực tham gia và thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu; cùng các nước thành viên CPTPP thúc đẩy triển khai hiệu quả Hiệp định quan trọng này; phối hợp chặt chẽ với EU thúc đẩy sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng khẳng định cam kết của Việt Nam đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; nhấn mạnh G20 tăng cường hợp tác trong hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp; hoan nghênh G20 đưa nội dung ngăn ngừa rác thải nhựa đại dương vào chương trình nghị sự, đề nghị G20 ủng hộ sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị G7 mở rộng 2018 về hình thành cơ chế toàn cầu trong ngăn ngừa rác thải nhựa đại dương.
Nhân dịp dự Hội nghị Sherpa, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp song phương Sherpa và Trưởng đoàn các nước Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Hà Lan, Saudi Arabia, Thái Lan, Argentina… để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác, chia sẻ và phối hợp thúc đẩy các vấn đề cùng quan tâm trong nghị sự G20, thúc đẩy phối hợp chuẩn bị các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao trong năm 2019…
Đây là lần thứ ba Việt Nam được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh và các hội nghị liên quan của G20. Việt Nam lần đầu tiên dự các hội nghị G20 vào năm 2010 tại Hàn Quốc và Canada trên cương vị Chủ tịch ASEAN, lần thứ hai vào năm 2017 tại Đức trên cương vị Chủ nhà APEC 2017. Việc Việt Nam gần đây thường xuyên được mời tham dự các diễn đàn đa phương toàn cầu như G20, G7 khẳng định quốc tế coi trọng vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam. Việc ta tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm vào các quan tâm chung của thế giới và khu vực tại G20 và các diễn đàn đa phương lớn khác góp phần thực hiện chủ trương tham gia kiến tạo, định hình kinh tế thế giới theo tinh thần Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về nâng tầm và nâng cao hiệu quả đối ngoại đa phương./.
BNG