Hơn 100 đoàn đại biểu các nước thành viên LHQ tham dự hội nghị, trong đó có 5 nguyên thủ quốc gia và hơn 40 đại biểu cấp bộ trưởng trở lên, cùng Tổng thư ký LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế - Xã hội của LHQ và đông đảo các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã tham dự hội nghị.
Với chủ đề “Vai trò của hợp tác Nam - Nam và việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững: Thách thức và cơ hội”, hội nghị đã đánh giá tiến trình 40 năm triển khai hợp tác Nam - Nam, thảo luận và đề ra định hướng hợp tác Nam - Nam trong bối cảnh mới. Hội nghị khẳng định các nguyên tắc cơ bản của hợp tác Nam - Nam, nhấn mạnh hợp tác Nam - Nam bổ trợ cho hợp tác giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển (Bắc - Nam); đánh giá hợp tác Nam - Nam là biểu tượng cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước đang phát triển; khẳng định hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, liên kết và kết nối kinh tế, hỗ trợ các nước đang phát triển hội nhập, thực hiện các mục tiêu phát triển thông qua trao đổi kinh nghiệm, công nghệ, tri thức trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu…
Về định hướng hợp tác Nam - Nam, theo TTXVN, hội nghị nhấn mạnh cần nâng cao hiệu quả hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên, gắn kết với thực hiện Nghị sự 2030 của LHQ về phát triển bền vững; bên cạnh tiếp tục tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác kỹ thuật, cần mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, giáo dục, môi trường trong nhiều khuôn khổ hợp tác song phương, tiểu vùng, khu vực và toàn cầu nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó hiệu quả với các thách thức phát triển, nhất là đói nghèo và biến đổi khí hậu. Hội nghị đề nghị huy động mọi nguồn lực sẵn có cho hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên, trong đó có nguồn vốn tư nhân; kêu gọi các nước phát triển tăng cường Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước đang phát triển; nhấn mạnh tăng cường vai trò của LHQ và các tổ chức đa phương trong điều phối, thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên trong các cơ chế hợp tác phát triển.
Phát biểu tại phiên toàn thể ngày 20/3, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ và coi trọng hợp tác Nam - Nam; tích cực thúc đẩy hợp tác phát triển với các nước đang phát triển trong khuôn khổ song phương, tiểu vùng Mekong, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và khu vực; đã triển khai hơn 10 dự án hợp tác ba bên, trong đó đã cử hơn 300 chuyên gia tới các nước châu Phi để chuyển giao kỹ thuật, đào tạo và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an ninh lương thực ở châu Phi...
Thứ trưởng nhấn mạnh hợp tác Nam - Nam cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, tiếng nói và lợi ích chung của các nước đang phát triển trong các vấn đề toàn cầu, nhất là thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); đề nghị LHQ và các tổ chức phát triển tiếp tục hỗ trợ hợp tác Nam – Nam vì một thế giới hòa bình và cùng thịnh vượng.
Nhân dự hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn đã phát biểu tại phiên khai mạc “Đối thoại với các nước châu Á” do Bộ trưởng Ngoại giao Argentina chủ trì; gặp trưởng đoàn các nước Na Uy, Armenia, Ireland, Maldives, Ghana, Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP)… để thúc đẩy hợp tác với các đối tác.
Đoàn Việt Nam cũng tích cực thảo luận tại Đối thoại “Định hình tương lai hợp tác Nam - Nam ở cấp độ khu vực: Chia sẻ kinh nghiệm của ASEAN và thúc đẩy liên kết giữa các khu vực”. Đại diện Tập đoàn Viettel đã trình bày tham luận tại Đối thoại “Triển vọng hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên: Đóng góp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và sáng tạo” nhằm chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, phát triển công nghệ thông tin.
Hội nghị cao cấp của LHQ về hợp tác Nam - Nam lần thứ 2 được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm cộng đồng quốc tế thông qua Kế hoạch hành động Buenos Aires về thúc đẩy hợp tác kỹ thuật giữa các nước đang phát triển (BAPA). Trong khuôn khổ hội nghị, LHQ đã phối hợp với nước chủ nhà Argentina và các đối tác tổ chức triển lãm thành tựu 40 năm hợp tác Nam - Nam và nhiều hoạt động bên lề dưới hình thức đối thoại, tọa đàm nhằm tăng cường chia sẻ kinh nghiệm triển khai hợp tác Nam - Nam./.