Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách về đổi mới-sáng tạo 

Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam có nhiều thế mạnh trong việc tiếp tục theo đuổi và triển khai các chính sách và chương trình đổi mới-sáng tạo, đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về những vấn đề của Việt Nam trong vai trò là thành viên của APEC.

Thưa Bộ trưởng, các nền kinh tế đang hướng đến tăng trưởng kinh tế thông qua đổi mới sáng tạo và thương mại được coi là một trong những nhân tố thúc đẩy, xin. Ông cho biết quan điểm này của các thành viên APEC ?

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Từ khi được thành lập vào năm 1989 đến nay, APEC đã đạt được nhiều thành tựu trong cả 3 trụ cột hợp tác chính là: Tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế, kỹ thuật, giúp đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ, các nền kinh tế đang hướng đến tăng trưởng kinh tế thông qua đổi mới-sáng tạo.

Đổi mới-sáng tạo không chỉ liên quan đến các yếu tố công nghệ mà còn gồm các các yếu tố phi công nghệ như: đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thị trường tài chính, hệ thống giáo dục-đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ (R&D), hệ thống pháp luật, sở hữu trí tuệ, thuế...

Với tính chất phức tạp và bao trùm như vậy, thương mại được coi là một trong những nhân tố quan trọng góp phần xác định và định hình chính sách và chiến lược về đổi mới-sáng tạo của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong khi lạc quan với các cơ hội mà đổi mới-sáng tạo mang lại, chúng ta cũng cần nhận thức được các thách thức tiềm ẩn. Đó có thể là sự gia tăng khoảng cách giữa các nền kinh tế phát triển và kém phát triển, khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia và trong từng quốc gia, bất công và bất ổn xã hội, sự phân bổ lại thị trường lao động, ...

Việt Nam đã "đổi mới-sáng tạo" ra sao, thưa ông? Định hướng của chúng ta như thế nào trong bối cảnh hiện nay ?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Về phần Việt Nam, có thể nói chúng ta đang ở giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội, song hành với hội nhập quốc tế. Do vậy, để có thể thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện hạn chế về lao động và nguồn tài chính, Việt Nam phải hướng tới tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động.

Điều đó đòi hỏi ta phải nâng cao đáng kể năng lực đổi mới-sáng tạo trong nước.

Nhìn nhận thực tế, ta đang có nhiều thế mạnh và thuận lợi đối với việc tiến hành đổi mới-sáng tạo như: Kết quả phát triển kinh tế và giảm nghèo ấn tượng; Chúng ta nằm trong khu vực địa lý năng động nhất thế giới; Chúng ta có lực lượng lao động lớn, cơ cấu dân số thuận lợi; Năng lực xuất khẩu của một số ngành tốt; Chúng ta có uy tín trong một số lĩnh vực như toán, nghiên cứu nông nghiệp và sinh học, làm tiền đề cho đổi mới-sáng tạo...

Chính vì vậy, việc tiếp tục theo đuổi và triển khai các chính sách và chương trình đổi mới-sáng tạo, đổi mới mô hình tăng trưởng đang và sẽ là ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ trưởng có nói rằng APEC đã và đang được coi là vườn ươm của các sáng kiến mới về kinh tế, thương mại, đầu tư, tăng trưởng... của châu Á-Thái Bình Dương, xin ông phân tích kỹ hơn về vai trò của Việt Nam?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiện nay, APEC đang triển khai khoảng 8 sáng kiến "người tìm đường" trong các lĩnh vực như: Chứng nhận điện tử các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS e-cert); Chứng nhận điện tử các quy tắc xuất xứ; Thương mại và nền kinh tế số và một số sáng kiến thuộc nhiều lĩnh vực như: tiêu chuẩn và hợp chuẩn, hải quan; các sản phẩm điện và điện tử; thu thập thông tin hành khách hàng không v.v.

Đây là các sáng kiến đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và giúp cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh trong khu vực. Chính vì vậy mới nói rằng APEC là “vườn ươm” các sáng kiến mới về thương mại và đầu tư.

Những năm qua, APEC đã triển khai nhiều chương trình hợp tác tập thể, trong đó có một số sáng kiến đi trước cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ví dụ như: Giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng có liên quan đến môi trường xuống còn 0-5% vào cuối năm 2015; Nghiên cứu viễn cảnh xây dựng Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương, sau khi hoàn thành mục tiêu Bogor (FTAAP); Hợp tác giảm 5% chi phí giao dịch thương mại trong toàn khu vực, cụ thể, trong giai đoạn 2007-2010, chương trình này đã giúp các nền kinh tế APEC tiết kiệm 58,7 tỷ USD; Thúc đẩy hợp tác về chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy hợp tác về kinh tế số và kinh tế mạng.

Đặc biệt, APEC còn triển khai các chương trình xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên đang phát triển trong khu vực. Mỗi năm, APEC tài trợ xấp xỉ 10 triệu USD cho việc xây dựng và triển khai hàng trăm dự án hỗ trợ năng lực trong hàng loạt lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, đầu tư đến các nội dung phi kinh tế...

Về vai trò của Việt Nam, có thể nói, sau 19 năm gia nhập diễn đàn này, chúng ta đã chủ động, tích cực tham gia vào tiến trình hợp tác APEC và đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của diễn đàn.

Việt Nam đã đăng cai APEC hai lần chỉ trong vòng 11 năm (2006 và 2017) với quyết tâm khẳng định chủ trương kiên định và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Là chủ nhà của APEC năm 2017, Việt Nam đã xây dựng, đề xuất một số sáng kiến mới về kinh tế thương mại trong các lĩnh vực quan trọng được nhiều thành viên ủng hộ như: thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng, thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp...

Thời gian qua, Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều hội thảo và khóa đào tạo nhằm xây dựng năng lực cho các thành viên APEC trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là về kinh tế, thương mại. Các sáng kiến, cũng như nỗ lực của Việt Nam được các thành viên APEC đánh giá cao. Đây là những đóng góp hết sức thiết thực cho APEC nói chung, cũng như cho kết quả tổng thể của năm APEC 2017 nói riêng.

Thưa Bộ trưởng, Hội nghị các Bộ trưởng Phụ trách Thương mại APEC 2017 vừa qua có giải pháp như thế nào trước chủ nghĩa dân túy trong các hiệp định thương mại tự do cũng như chủ nghĩa bảo hộ đang tồn tại hiện nay tại nhiều quốc gia ? Kết quả của Hội nghị có tác động như thế nào đến các chủ đề ưu tiên của năm APEC 2017 cũng như các bước đi tiếp theo cho hợp tác APEC ?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc Việt Nam tái đăng cai năm APEC 2017 trong bối cảnh tình hình trên thế giới diễn biến phức tạp với nhiều bất ổn đan xen cả về chính trị và kinh tế, điều này ít nhiều gây ảnh hưởng trực tiếp đến quan điểm và chính sách của các thành viên trong hợp tác APEC. Gần đây, người dân tại một số nền kinh tế ngày càng nêu nhiều quan ngại về việc các lợi ích thương mại không được chia sẻ một cách công bằng, trong từng nền kinh tế, cũng như giữa các nền kinh tế và khu vực với nhau. Do vậy, một số Chính phủ đã phải thực thi việc điều chỉnh chính sách tương ứng nhằm ổn định tâm lý của người dân.

Trong khi đó, nhiệm vụ của APEC là phải chứng minh được hợp tác, cùng chia sẻ thông qua các định chế khu vực và quốc tế, cũng như trong các hiệp định thương mại mang tính cân bằng chính là con đường có lợi nhất cho tổng thể khu vực.

Hội nghị các Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 23 (MRT 23) vừa qua tại Hà Nội (MRT 23 là hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành đầu tiên được tổ chức trong năm APEC 2017) đã tiếp tục thể hiện sự ủng hộ tiến trình tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, hướng tới hoàn thành mục tiêu Bogor vào năm 2020.

Tuyên bố của Chủ tịch MRT 23 đã nêu rõ quyết tâm của APEC trong việc tiếp tục ủng hộ sự bền vững và phát triển ổn định của hệ thống thương mại đa phương và WTO và chống chủ nghĩa bảo hộ, đảm bảo sân chơi thương mại công bằng và bình đẳng trong khu vực.

Có thể nói, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, với sự xáo trộn và thay đổi quan điểm chính sách của một vài thành viên có tiếng nói trong APEC, việc Việt Nam chủ trì và điều phối hội nghị MRT 23 với việc ra được 2 tuyên bố, bao gồm: tuyên bố về các hành động cần thiết và tuyên bố của Chủ tịch hội nghị là một thành công lớn, được các thành viên APEC đánh giá cao.

MRT 23 cũng đã rà soát việc triển khai Chủ đề và 4 ưu tiên chính của năm APEC 2017, bao gồm hàng loạt chương trình hợp tác kinh tế quan trọng, cho chỉ đạo về các đường hướng tiếp theo, nhằm đạt được những kết quả hợp tác ý nghĩa nhất để báo cáo lên các Nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao APEC 25 vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng.

Phan Trang (thực hiện)
412 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 575
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 575
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84604798