Việt Nam sẽ chỉ cần 7 năm để được như Thái Lan 

(Chinhphu.vn) - Thái Lan mất hơn 20 năm để tăng trưởng đạt 30 triệu lượt khách như hiện tại, trong khi Việt Nam sẽ chỉ cần 7 năm để đạt được con số trên. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn.

 

Ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh, phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VNE

Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam, đưa ra nhận định này tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam (ngày 5-6/12). "Trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam có tiềm năng du lịch lớn", ông nói.

Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình khi cho rằng tốc độ tăng trưởng du lịch Việt Nam là mơ ước của nhiều quốc gia.  Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới theo bình chọn của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế trung bình đều đạt khoảng 30% trong vài năm gần đây.

Tuy nhiên, theo ông John Lindquist - Cố vấn cấp cao BCG, thành viên hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh, con số 14 triệu lượt khách trong 11 tháng năm 2018 vẫn còn ít so với các nước trong khu vực và doanh thu từ khách quốc tế chưa cao.

Năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, nhưng số này ở Indonesia là 12,6 tỷ USD; Singapore là 18,4 tỷ USD, Thái Lan là 52,5 tỷ USD. Điều đó không chỉ do lượng khách quốc tế đến Việt Nam ít hơn các nước trong khu vực, mà còn bởi chi tiêu của khách trong mỗi chuyến đi cũng tiết kiệm hơn.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch các nước, mỗi chuyến du lịch, khách đến Việt Nam chi tiêu trung bình khoảng 900 USD. Nhưng mức chi tiêu của khách tại Indonesia là 1.109 USD, Singapore là 1.105 USD, tại Thái Lan là 1.565 USD.

Nhiều năm qua, các chuyên gia du lịch cho rằng khách quốc tế đến Việt Nam "ít có cơ hội tiêu tiền", nhất là sản phẩm mua sắm và giải trí về đêm.

Thái Lan chi 100 triệu USD, Việt Nam chỉ 2 triệu USD

Một trong các vấn đề được nêu lên là cách quảng bá hình ảnh của Việt Nam với du khách thế giới còn hạn chế. Ông John Lindquist cho rằng công tác quảng bá đang là một điểm nghẽn cần giải quyết.

Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về hiệu quả quảng bá cho du lịch. Chỉ số này thấp hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực, đứng sau cả Lào (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 73). "Trong các chỉ số đánh giá về du lịch thì đây là một trong những chỉ số Việt Nam có thứ hạng thấp nhất", Cố vấn cấp cao BCG nói.

Muốn xây dựng thương hiệu đủ sức hấp dẫn, ông John Lindquist cho rằng cần phải gia tăng đầu tư, đưa ra những định hướng mang lại tính bền vững và điều quan trọng là cần có đủ nguồn tài chính. Chi cho quảng bá du lịch của Việt Nam trong năm gần nhất chỉ có 2 triệu USD, trong khi Thái Lan chi 100 triệu USD và mức trung bình của nhiều quốc gia khác đã đạt từ 70-80 triệu USD.

"Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn, ổn định và nhất quán hơn nữa. Cần có những chiến dịch rộng hơn, trong nhiều lĩnh vực và đặc biệt là cần nghĩ đến thương hiệu của cả quốc gia", ông John Lindquist nói và cho rằng chi phí cho quảng bá du lịch của Việt Nam dù không thể ngay lập tức bằng các quốc gia khác nhưng cũng cần tăng lên 20-30 triệu USD.

"Việt Nam cần xây dựng định hướng giá trị rõ ràng hơn cho các khách hàng tiềm năng, tăng chi cho quảng bá hình ảnh và với tiềm năng sẵn có, không có lý do gì Việt Nam không trở thành một điểm hấp dẫn", ông John Lindquist kết luận.

Khó từ hạ tầng tới nhân lực

Nhiều vấn đề khác cũng được chỉ ra. Ông Kenneth Atkinson nhận xét du lịch Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề về tính bền vững. Di sản thiên nhiên Hạ Long đang chịu cảnh ô nhiễm từ các cửa xả và tàu thuyền. Điểm hút khách du lịch quốc tế Sapa nay không còn đẹp như trước vì xây dựng khắp nơi ảnh hưởng đến cảnh quan. Ngay cả Phú Quốc, được ví như viên ngọc quý của Việt Nam nay cũng không còn đẹp như trước.

Nhân lực ngành du lịch được ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright nêu ra. Trong bài tham luận, ông cho rằng nhân lực chất lượng cao là một trong những điểm nghẽn của du lịch Việt. Không chỉ so với các nước, năng suất lao động du lịch thậm chí còn thấp hơn so với nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam, chỉ cao hơn lao động phổ thông.

Trong khi thị trường yêu cầu kiến thức tổng quát, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tính chuyên nghiệp và thái độ làm việc, năng lực quản lý, lãnh đạo... thì các chương trình đào tạo về cử nhân du lịch, tổ chức sự kiện, vận hành tour... lại đi vào các phân ngành hẹp; thiên về nghiệp vụ.

Cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển cũng khiến chính các công ty du lịch lúng túng. Ông Hà Minh Đức, Tổng giám đốc một công ty du lịch khiến khán phòng xôn xao khi cho biết hiện không dám đưa khách du lịch đến Sapa vì quá đông, "Việt Nam có tài nguyên tuyệt vời, vị trí tuyệt vời nhưng lại gặp khó khăn khi hạ tầng không đáp ứng được lượng khách", ông nói.

Ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines cũng cho rằng vấn đề hạ tầng sân bay đang là thách thức rất lớn, là nút cổ chai tạo thành điểm nghẽn đối với phát triển du lịch.

Hiện Việt Nam có 21 sân bay, trong khi con số này của Thái Lan là 38. Công suất của toàn bộ sân bay Việt Nam là 75 triệu khách mỗi năm, theo ông chỉ bằng một phần ba của Thái Lan. Ông cũng so sánh công suất toàn bộ các sân bay của Việt Nam cộng lại mới bằng một sân bay lớn nhất ở Bang Kok (Thái Lan), Changi (Singapore) cũng như Kuala Lumpur (Malaysia). 

Tranh cãi về visa

Visa trở thành một trong những vấn đề gây tranh cãi tại diễn đàn. Tại phiên thảo luận chiều 5/12, ông Hà Minh Đức cho rằng Việt Nam thay vì chạy theo số lượng du khách cần nâng cao chất lượng du lịch, làm thế nào để thu được thêm nhiều tiền trên mỗi khách. "Tôi cho rằng cần thu tiền từ visa, thậm chí tăng phí visa", anh này nói. 

Quan điểm trên ngay lập tức bị phản bác bởi Tiến sĩ Lương Hoài Nam. Vốn là người đã nhiều lần nêu quan điểm về vấn đề visa của Việt Nam, Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho biết không những không nên tăng phí mà cần phải mở rộng đối tượng miễn visa. Ông cho rằng bất cập của visa không phải là mức phí, mà nó là minh chứng cho độ cởi mở của chính sách du lịch. 

"Tôi từng đi nói chuyện với rất nhiều người giàu Mỹ từ triệu phú đến tỷ phú, quảng bá cho du lịch Việt Nam. Thế nhưng họ trả lời nếu Việt Nam tốt như vậy mà phải cần visa để vào", ông kể. Theo ông, cần cởi trói visa vào Việt Nam, nếu muốn thu hút khách nhà giàu nhiều tiền phải giải quyết vấn đề visa. 

Chung ý kiến với Tiến sĩ Lương Hoài Nam là ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch Công ty Cổ phần HG. Ông cho rằng điều đầu tiên du lịch Việt Nam cần hành động là vấn đề visa. "Điều này đã nói rất nhiều nhưng cách giải quyết rất chậm. Tên miền cấp visa rất phức tạp, nhiều khách nước ngoài không vào được trang web. Thậm chí có lần Tổng lãnh sự Mỹ gặp trực tiếp tôi nói nhiều khách không vào đúng trang của Cục xuất nhập cảnh, thậm chí bị lừa", ông Minh Đức chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông John Lindquist cho rằng Việt Nam cần nới lỏng chính sách visa, tăng cường kết nối giao thông, xây dựng thương hiệu quốc gia.

Thành Đạt

341 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1011
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1011
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87217553