Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. 

Ngày 11/03/2021, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước các diễn biến gần đây tại Myanmar, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Chúng tôi rất quan ngại về tình trạng bạo lực và thương vong tiếp tục gia tăng tại Myanmar trong những ngày gần đây. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, thông qua đối thoại hoà bình để giải quyết bất đồng; mong muốn Myanmar sớm ổn định, vì lợi ích của nhân dân Myanmar, vì hoà bình, ổn định ở khu vực. 

Việt Nam chia sẻ lập trường chung của ASEAN đã được nêu tại Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về diễn biến ở Cộng hòa Liên bang Myanmar ngày 01/02/2021, cũng như trong tuyên bố Chủ tịch ASEAN về kết quả của Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 02/3/2021, trong đó nhấn mạnh đến việc tuân thủ Hiến chương ASEAN; ủng hộ đối thoại, hòa giải và mong muốn tình hình tại Myanmar sớm trở lại bình thường phù hợp với ý chí và lợi ích của nhân dân Myanmar để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các nước ASEAN khác nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Myanmar. Việt Nam cũng đã yêu cầu Myanmar bảo đảm an toàn tính mạng và các lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.

* Trả lời câu hỏi của phóng viên, liên quan Bình luận về báo cáo của Tổ chức Freedom House cho biết Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia không có quyền tự do, Người Phát ngôn, Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có các quyền tự do cơ bản được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan. Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và triển khai nhiều biện pháp cụ thể để đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân, tích cực tham gia hợp tác quốc tế về quyền con người. 

Một ví dụ điển hình là trong khuôn khổ cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (năm 2019), các nước đã quan tâm tham gia đông đảo tại các phiên họp liên quan đến Việt Nam; đại đa số ý kiến các nước đã đánh giá cao nỗ lực và thành tựu, ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam và đưa ra nhiều khuyến nghị xây dựng./.

 
Vân Anh - Minh Anh