Các sản phẩm vắc xin cúm gia cầm H5N1 được trưng bày tại Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam. (Ảnh: Bích Liên)
Thành công trên là kết quả của Công trình nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vaccine cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam - một trong 4 công trình xuất sắc đoạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019, giải thưởng tôn vinh những kết quả khoa học xuất sắc mang tính thực tiễn cao.
Công trình thuộc về nhóm các giả: GS.TS. Lê Trần Bình, PGS.TS. Đinh Duy Kháng - Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; TS. Trần Xuân Hạnh - Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cuối năm 2003, đầu năm 2004, đại dịch cúm gia cầm xảy ra ở các nước trong khu vực mà Việt Nam là điểm nóng, hàng triệu gia cầm bị chết và bị tiêu hủy, thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng; nhiều trường hợp cúm gia cầm A/H5N1 lây sang người với triệu chứng lâm sàng trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao.
Sau 2 năm dịch bệnh xuất hiện, biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin mới được chấp nhận và nguồn thuốc chủ yếu nhập từ các doanh nghiệp của Trung Quốc. Tuy nhiên, vắc xin nhập từ Trung Quốc có hạn chế với một số biến chủng của vi rút cúm A/H5N1 tại Việt Nam; số liều đóng gói rất lớn (500 liều/lọ), không thích hợp với điều kiện chăn nuôi gia cầm ở nước ta.
Trước thực trạng trên, từ kết quả của đề tài độc lập cấp Nhà nước: "Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 cho gia cầm" giai đoạn 2006-2008, GS.TS. Lê Trần Bình và PGS.TS. Đinh Duy Kháng - Viện công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) kết hợp với TS. Trần Xuân Hạnh - Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai sản xuất vắc xin để dập tắt dịch bệnh này.
Vắc xin do công trình điều chế được đã vượt qua các chỉ tiêu kỹ thuật quốc tế. Công trình đã thành công ở các nội dung như: nghiên cứu khả năng nhân lên của virus và tính ổn định khi gây nhiễm cho trứng gà có phôi trong điều kiện sản xuất; xác định được liều gây miễn dịch thích hợp làm cơ sở để phối trộn vắc xin; xác định công thức phối trộn giữa kháng nguyên và dầu khoáng để đảm bảo tính ổn định của vắc xin…
Sau nhiều năm nghiên cứu, vắc xin cúm gia cầm H5N1 đã được sản xuất thành công và được kiểm định chất lượng bởi Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y, Cục Thú y và Trung tâm kiểm nghiệm vắc xin, Australia. Đây là vắc xin cúm đầu tiên do Việt Nam tự nghiên cứu và được công ty Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương sản xuất với tên thương phẩm NAVET-VIFLUVAC và được đánh giá có chất lượng tốt thể hiện ở các mặt như: Vắc xin có tính phổ rộng; chất lượng nhũ ổn định sau sản xuất cũng như trong suốt thời gian bảo quản; độ dài miễn dịch của vắc xin kéo dài ít nhất được 6 tháng; độ dài bảo quản kéo dài ít nhất 18 tháng; dễ áp dụng và dễ sử dụng trong thực tế sản xuất, dễ dàng sản xuất được quy mô lớn và đáp ứng được nhu cầu với số lượng lớn vắc xin.
Công trình được sản xuất, góp phần quan trọng trong việc phòng chống bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi sản xuất gia cầm của Việt Nam phát triển an toàn và bền vững.
Chia sẻ về thành công của công trình, Giáo sư Lê Trần Bình, một trong các tác giả của công trình cho biết, đây là thành công của cả nhóm nghiên cứu. Hiện tại, Cục Thú y đã cấp phép cho quy trình sản xuất và với đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm, việc sản xuất vắc xin cúm gia cầm H5N1 có thể thực hiện ở quy mô công nghiệp, trước mắt bảo đảm cung cấp một phần, tiến tới thay thế hoàn toàn vắc xin nhập khẩu để phục vụ tiêm phòng cho đàn gia cầm ở nước ta.
Theo đánh giá của các chuyên gia, vắc xin do công trình điều chế được đã vượt qua các chỉ tiêu kỹ thuật quốc tế, thành công trong nghiên cứu khả năng nhân lên của vi rút, xác định được liều gây miễn dịch thích hợp làm cơ sở để phối trộn vắc xin, bảo đảm không bỏ sót vi rút độc lực, không tạp nhiễm các tác nhân gây bệnh ngoại lai. Thời gian miễn dịch của vắc xin kéo dài ít nhất được 6 tháng, bảo quản ít nhất được 18 tháng.
Qua thử nghiệm tại các trang trại gia cầm ở 6 huyện của Hải Phòng, khả năng bảo hộ của vắc xin ở các địa phương có khác nhau, nhưng đều vượt ngưỡng yêu cầu, đã cho kết quả tốt./.
Bích Liên