Việt Nam nghiêm túc triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người 

(ĐCSVN) - Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được thể hiện xuyên suốt trong Hiến pháp, pháp luật và các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

 

Trên cơ sở chính sách nhất quán đó, Việt Nam đã nghiêm túc triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, trong đó có các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) mà Việt Nam đã chấp thuận tại Chu kỳ III năm 2019 và đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Phát triển bền vững gắn liền với thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Đại hội XIII đã đề ra những chủ trương lớn nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền con người tại Việt Nam . (Ảnh: T.H)

Năm 2021 tại Việt Nam đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại mang tính định hướng chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, nổi bật là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu cử Quốc hội và kiện toàn bộ máy Chính phủ khóa XV. Việt Nam đã đề ra tầm nhìn đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tầm nhìn đó một lần nữa khẳng định những cam kết của toàn hệ thống chính trị đối với mục tiêu phát triển đất nước, quyết tâm mạnh mẽ trong tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền với chính sách lấy người dân là chủ thể, là trung tâm, vì tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, đi đôi với phát triển bền vững, bao trùm nhằm nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam, tác động nhiều chiều đến khả năng thụ hưởng quyền con người và tác động mạnh tới các nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm quyền của người dân. Bên cạnh những khó khăn, áp lực do tình hình dịch bệnh, những năm gần đây Việt Nam còn phải đối mặt với tác động gay gắt của biến đổi khí hậu. Suốt 30 năm qua, trung bình một năm thiên tai gây thiệt hại về kinh tế khoảng 2-2,5% GDP của Việt Nam. Biến đổi khí hậu cũng tiếp tục tạo ra các tác động kinh tế xã hội sâu rộng đối với Việt Nam, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp mà còn làm thay đổi các cấu trúc cung cầu hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, Việt Nam xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung tay của người dân, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam đã đạt những kết quả, thành tựu tích cực với mức tăng trưởng kinh tế đạt 2,91% trong năm 2020 và dự kiến khoảng 2,5-3% năm 2021. Năm 2020, Việt Nam đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi. Việt Nam cũng có cơ hội tận dụng đà phục hồi sau đợt dịch COVID-19 và từ lợi thế triển khai tái cơ cấu nền kinh tế để tận dụng tối đa hiệu quả của 14 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang triển khai với các đối tác, trong đó có Hiệp định định thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những thành tựu toàn diện trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế đã góp phần tạo nguồn lực cho việc bảo đảm thụ hưởng các quyền con người của người dân, thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng với những cam kết về lao động và phát triển bền vững. Việt Nam cũng đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để tranh thủ những thành quả của các mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, từ đó chuyển đến mô hình phát triển một cách hiệu quả, bền vững, giúp người dân thực hiện tốt hơn các quyền y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, kinh tế và quyền tham gia xây dựng pháp luật, nhà nước pháp quyền.

Việt Nam nghiêm túc triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người

Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện 199/241 khuyến nghị, đang thực hiện hoặc thực hiện một phần 32/241 khuyến nghị, đang xem xét thực hiện vào thời điểm thích hợp 10/241 khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) mà Việt Nam đã chấp thuận tại Chu kỳ III năm 2019.

Trong đó, các khuyến nghị về quyền con người trên lĩnh vực kinh tế; an sinh xã hội; quyền sức khỏe, y tế; quyền giáo dục; quyền nước sạch; quyền tự do biểu đạt, phát triển kết nối internet, tăng cường tiếp cận thông tin, bảo đảm sự độc lập của truyền thông và việc bảo vệ nhà báo; quyền tự do hội họp và lập hội; quyền tự do tôn giáo… được triển khai hiệu quả, đồng bộ. Điều này không chỉ mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc thúc đẩy quyền thụ hưởng của người dân mà còn góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam là một thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong bảo đảm quyền con người.

Cho tới nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động và tự do như việc ban hành các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (cho đến tháng 7/2021) dành cho người khó khăn vì dịch COVID-19. Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận, các điều kiện sống cơ bản, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Chính phủ Việt Nam đồng thời rất coi trọng, chủ trương bảo đảm tiêm vắc-xin phòng COVID-19 miễn phí cho người dân theo các đối tượng ưu tiên theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mặc dù gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn cung của thế giới, điều kiện kinh tế còn hạn chế song chính phủ luôn ưu tiên việc tiêm chủng, bảo đảm sức khỏe của người dân trong bối cảnh dịch bệnh. Chính phủ cũng thành lập Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước để tiêm chủng cho người dân, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19, bảo đảm quyền y tế. Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác về ngoại giao vắc-xin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao củ trì để xúc tiến, vận động viện trợ vắc-xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống COVID-19; chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị từ đối tác song phương, đa phương. Đến nay, hầu hết các đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống đã hỗ trợ Việt Nam với hàng triệu liều vắc-xin.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép

 Việt Nam quyết tâm thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép. (Ảnh minh họa: Nguyệt Thanh)

Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục có nhiều tác động sâu rộng đến việc thụ hưởng quyền của người dân, đồng thời Việt Nam sẽ tiếp tục phải ứng phó với nhiều thách thức tiếp diễn. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, trong đó có an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt đến sự phát triển ổn định, bền vững của Việt Nam, khiến phân tán nguồn lực dành cho tiến trình thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, triển khai các khuyến nghị UPR Việt Nam chấp thuận. Nhiều chính sách được thực hiện thông qua những đề án, dự án còn thiếu nguồn kinh phí triển khai, phải thực hiện lồng ghép hoặc đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong bối cảnh mới, Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, Việt Nam cũng xác định được một khó khăn, thách thức kỹ thuật như việc chưa có hệ thống theo dõi đồng bộ việc triển khai các khuyến nghị; việc triển khai một số khuyến nghị mang tính chất vĩ mô, liên ngành nên dẫn tới phân định trách nhiệm có phần còn bất cập; tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở còn hạn chế, có lúc chưa bảo đảm yêu cầu trong tình hình mới. Một số văn bản quy phạm pháp luật mặc dù khắc phục được những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn, tuy nhiên còn chồng chéo, mâu thuẫn. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật về quyền con người chưa thực sự bảo đảm tính kịp thời, chặt chẽ dẫn đến việc kéo dài thời gian xây dựng và ảnh hưởng đến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Việt Nam hiện đang tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 để tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Bối cảnh dịch COVID-19 gây nên sự đứt gãy của các hoạt động kinh tế truyền thống đã tạo ra thêm nhiều khó khăn cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.Việt Nam hiện đang triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu, đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 80% dân số.

Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III đã chấp thuận trên cơ sở Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg năm 2019. Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực trong việc xây dựng Báo cáo quốc gia và thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận./.

 
T.Lan
286 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1055
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1055
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87218583