Trong bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Victoria, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phát huy giá trị chiến lược của quan hệ Đối tác Việt Nam – New Zealand... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 11/3, tại Thủ đô Wellington, trong chương trình chuyến thăm chính thức New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, gặp gỡ các giảng viên, sinh viên và có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Victoria Wellington.
Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đại diện các giới của New Zealand, các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên trường Đại học Victoria.
Đại học Victoria là một trong những trường đại học lâu đời và uy tín nhất của New Zealand, cũng là nơi có nhiều sinh viên Việt Nam theo học nhất trong số các trường đại học của New Zealand.
Theo GS Nick Smith, Phó Hiệu trưởng, hiện có hơn 200 sinh viên Việt Nam theo học tại trường. Tính chung, có khoảng 700 cựu sinh viên là người Việt Nam và gần đây, trường đã tổ chức cuộc gặp mặt rất thành công với các cựu sinh viên Việt Nam tại TPHCM. Các cựu sinh viên này đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của cả hai nước. Trường cũng có các liên kết học thuật, hợp tác nghiên cứu tích cực với nhiều đối tác Việt Nam như Đại học Mở, Đại học Kinh tế TPHCM…
Đại học Victoria là đại học của New Zealand đầu tiên triển khai đào tạo song bằng với Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam triển khai giảng dạy nghiên cứu sinh, tiến sĩ kinh tế; tham gia 3 chương trình nâng cao năng lực và các khoá học tiếng Anh cho cán bộ Nhà nước Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về những điểm gặp gỡ, tương đồng giữa hai đất nước, hai dân tộc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu trước đông đảo các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết chia sẻ về những điểm gặp gỡ, tương đồng giữa hai đất nước, hai dân tộc. Hai nước đều là những quốc gia có nền tảng nông nghiệp vững mạnh, vừa tích cực hội nhập quốc tế, vừa chia sẻ nhiều giá trị chung (coi trọng việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc; đề cao tính cộng đồng, sự đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái).
Dẫn câu ngạn ngữ của người Maori: "Để nuôi dạy một đứa trẻ thành người cần đến công sức của cả buôn làng. Để một người thành công, cần sự nỗ lực của cả cộng đồng", Thủ tướng cho biết người Việt Nam cũng có câu tương tự: "Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".
"Với chuyến thăm này, chúng tôi mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – New Zealand lên tầm cao mới, phát triển sâu rộng và mạnh mẽ hơn trong tương lai", Thủ tướng khẳng định.
Với tinh thần chân thành, "từ trái tim, đến trái tim", trong bài phát biểu chính sách, Thủ tướng tập trung phân tích, chia sẻ 3 nội dung chính: (1) Về tình hình thế giới, khu vực hiện nay; (2) Tầm nhìn và khát vọng phát triển của Việt Nam; (3) Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand trong thời gian tới.
Với tinh thần chân thành, "từ trái tim, đến trái tim", trong bài phát biểu chính sách, Thủ tướng phân tích, chia sẻ tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
6 mâu thuẫn lớn trong quan hệ quốc tế hiện nay
Về tình hình thế giới và khu vực, Thủ tướng cho rằng thế giới ngày nay đang đối mặt với những thách thức lớn, nhất là 5 yếu tố: Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số và đói nghèo.
GS John Allen, Hiệu trưởng Đại học Victoria bày tỏ đánh giá rất cao các thông điệp được Thủ tướng đưa ra, cho biết các thính giả đều thực sự vinh hạnh được lắng nghe, cảm nhận được và ngưỡng mộ sự chân thành, nhiều năng lượng trong phát biểu của Thủ tướng; khẳng định sự tôn trọng đối với truyền thống văn hóa, lịch sử và tinh thần bất khuất của Việt Nam.
Tán đồng cao với quan điểm của Thủ tướng về việc cần chuyển trạng thái một cách phù hợp, không giật cục, đột ngột, vị Hiệu trưởng cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam thời gian qua đã chuyển số vô cùng nhanh nhưng hết sức nhịp nhàng.
Đây là những vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không một quốc gia riêng lẻ nào có thể xử lý được mà đòi hỏi phải có sự đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương. Đồng thời, đây cũng là những vấn đề mang tính toàn dân, tác động, ảnh hưởng đến mọi người dân ở tất cả các quốc gia. Để ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu và mang tính toàn dân nêu trên, cần có cách tiếp cận toàn cầu và cách tiếp cận toàn dân với các giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện, bao trùm.
Mặt khác, thế giới và khu vực đang trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc với đặc trưng là tình hình diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, rủi ro và bất ổn gia tăng. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột tại Ukraine, Dải Gaza, Biển Đỏ diễn biến khó lường; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng nặng nề.
Thủ tướng cho rằng, trong quan hệ quốc tế hiện nay nổi lên 6 mâu thuẫn lớn: (i) giữa chiến tranh và hòa bình; (ii) giữa cạnh tranh và hợp tác; (iii) giữa mở cửa, hội nhập và độc lập, tự chủ; (iv) giữa đoàn kết, liên kết và phân tách, phân tuyến; (v) giữa phát triển và tụt hậu; (vi) giữa tự chủ và phụ thuộc.
Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là các công nghệ đột phá (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây, công nghệ 5G…) đã và đang làm thay đổi thế giới, buộc mọi chủ thể đều phải thích ứng, thay đổi.
Thủ tướng đánh giá, không ở nơi đâu trên thế giới, những thay đổi sâu sắc của tình hình quốc tế lại thể hiện rõ nét như ở châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Khu vực này là động lực phục hồi, tăng trưởng toàn cầu, là trung tâm kinh tế của thế giới (đóng góp khoảng 60% GDP toàn cầu; tập trung 3 trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản; chiếm 46% tổng thương mại quốc tế và 50% tổng lượng vận chuyển hàng hải).
Khu vực này cũng có sức trẻ của lực lượng lao động, mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với mạng lưới các Hiệp định FTA thế hệ mới, quy mô lớn mà Việt Nam và New Zealand cùng là thành viên (như RCEP, CPTPP). Cùng với đó là năng lực đổi mới sáng tạo, đi đầu về thử nghiệm các công nghệ mới (ước tính đến 2030, kết nối di động 5G tăng gấp 10 lần; số lượng kết nối internet tại khu vực sẽ đạt 1,84 tỷ người dùng).
Bên cạnh những cơ hội lớn, khu vực cũng đứng trước nhiều thách thức khi tập trung nhiều điểm nóng, đồng thời là trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước; dễ có nguy cơ xảy ra xung đột và có thể lan rộng, tác động, ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực và toàn cầu.
"Nói một cách khái quát về thế giới ngày nay, tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh, tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng, tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột", Thủ tướng phát biểu.
Đại học Victoria là một trong những trường đại học lâu đời và uy tín nhất của New Zealand, cũng là nơi có nhiều sinh viên Việt Nam theo học nhất trong số các trường đại học của New Zealand - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
TẦM NHÌN VÀ KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM
Chia sẻ về tầm nhìn và khát vọng của Việt Nam, Thủ tướng trước hết cho biết, có thể nói dân tộc Việt Nam là dân tộc chịu nhiều đau thương, mất mát nhất do chiến tranh gây ra kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Năm 2024, Việt Nam kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" (7/5/1954-7/5/2024)
Vì vậy, theo Thủ tướng, Việt Nam hơn ai hết hiểu rõ giá trị của hòa bình, rất yêu chuộng hòa bình, không muốn nơi nào có chiến tranh và luôn mong muốn cùng cộng đồng quốc tế gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột và thúc đẩy phát triển bền vững. Hòa bình, ổn định là tài sản chung vô giá, là điều kiện cần để cho phát triển, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân, không có ai bị bỏ lại phía sau.
Về mục tiêu tổng quát, Thủ tướng cho biết Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập Nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Việt Nam xác định 3 yếu tố nền tảng gồm xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, nguyên tắc xuyên suốt là lấy người dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Theo GS Nick Smith, Phó Hiệu trưởng, hiện có hơn 200 sinh viên Việt Nam theo học tại trường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Việt Nam cũng xác định 8 định hướng lớn:
Thứ nhất, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nguồn lực bên trong (con người, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hoá, lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài (vốn, khoa học công nghệ, quản lý, nhân lực chất lượng cao) là quan trọng, đột phá.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện tạo chuyển biến rõ nét trong 3 đột phá về thể chế, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Thứ ba, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Văn hoá soi đường cho quốc dân đi - Văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá mất thì dân tộc mất. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Thứ tư, tập trung phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, coi giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược.
Thứ năm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; chú trọng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ sáu, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Thực hiện chính sách quốc phòng "4 không" [Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế].
Thứ bảy, xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, toàn diện. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội.
Thứ tám, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Xây dựng và phát triển trường phái "ngoại giao cây tre" mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam theo đúc kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng nêu rõ, định hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là: Lấy sự chân thành làm cơ sở để thúc đẩy đối thoại, củng cố lòng tin vì các mối quan hệ bền vững, lâu dài; chủ động đóng góp vào các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Lấy đoàn kết, hợp tác quốc tế làm nền tảng; đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung; lấy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển làm mục tiêu; lấy Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế làm nền tảng. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; chủ động thích ứng; nâng cao năng lực nội sinh, năng lực tự thân, tính tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên của các quốc gia, khu vực.
Đại học Victoria là đại học của New Zealand đầu tiên triển khai đào tạo song bằng với Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam triển khai giảng dạy nghiên cứu sinh, tiến sĩ kinh tế... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về kết quả đạt được, sau gần 40 năm đổi mới, nhờ có chủ trương, đường lối, mục tiêu, định hướng đúng đắn nêu trên dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đúng như đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đến nay có quan hệ với 193 quốc gia trên thế giới; có quan hệ với 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và 7 nước thành viên G7, 16 thành viên G20. Đã ký kết 16 FTA với hơn 60 nước và đam đàm phán 3 FTA.
Thủ tướng chia sẻ 5 bài học kinh nghiệm của Việt Nam: (1) Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; (2) Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; (3) Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết (đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế); (4) Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; (5) Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đồng thời, từ thực tiễn đổi mới của Việt Nam, có thể đúc kết: Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường, Việt Nam tiếp tục xác định rõ khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi và cần bám sát thực tiễn, có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; trong đó tập trung thúc đẩy mạnh mẽ một số lĩnh vực trọng tâm.
Thứ nhất, làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi (như trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn…).
Thứ hai, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ ba, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo chuyển biến thực chất trong các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ tư, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, kết hợp hài hoà giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài.
Thứ năm, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
TẦM NHÌN QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM – NEW ZEALAND THỜI GIAN TỚI
Năm 2025, Việt Nam và New Zealand sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng khẳng định New Zealand là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực và là một trong số ít các Đối tác chiến lược của Việt Nam trên toàn cầu.
Hai bên chia sẻ nhiều nhận thức và giá trị chung (giá trị văn hóa và khát vọng chung về hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển) trên nền tảng vững chắc của những kết nối nhân dân bền chặt (cộng đồng hơn 15.000 người Việt Nam đang tích cực đóng góp vào sự thịnh vượng của New Zealand; 6.000 du học sinh, lao động).
Việt Nam luôn trân trọng, không bao giờ quên những tình cảm, sự hỗ trợ quý báu của New Zealand dành cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là trụ cột và động lực chủ chốt của quan hệ hai nước. Hợp tác quốc phòng, an ninh phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.
Để tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của cả hai nước, tiếp tục đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới trong thời gian tới, Thủ tướng chia sẻ một số định hướng lớn:
Một là, cần phát huy giá trị chiến lược của quan hệ Đối tác Việt Nam – New Zealand, để cùng đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Thúc đẩy hợp tác đa phương và đoàn kết quốc tế, thúc đẩy các nước, nhất là các nước lớn, tăng cường và củng cố lòng tin, đóng góp có trách nhiệm vào việc gìn giữ hòa bình, an ninh trên toàn cầu; giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình; đẩy mạnh tư duy "hợp tác cùng thắng, cùng có lợi" thay vì tư duy "thắng – thua"; tích cực hợp tác và liên kết, đóng góp vào việc hình thành một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó ASEAN có vai trò trung tâm.
Hai là, hỗ trợ nhau phát huy hơn nữa các thế mạnh của mỗi nước, phối hợp chặt chẽ để giúp đỡ nhau mở rộng, đa dạng hóa quan hệ, góp phần nâng cao năng lực tự cường của mỗi quốc gia.
Việt Nam mong muốn cùng New Zealand tiên phong trong các nỗ lực về bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác.
Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để New Zealand tăng cường hơn nữa quan hệ với ASEAN và với các nước thành viên ASEAN, nhất là trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN – New Zealand giai đoạn 2024 - 2027; mong New Zealand giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương và các tổ chức quốc tế tại khu vực này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các sinh viên Việt Nam tại Đại học Victoria - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ba là, tạo động lực mới cho quan hệ song phương Việt Nam - New Zealand, khái quát thành 3 cặp từ khóa là "ổn định và củng cố"; "tăng cường và mở rộng" và "tăng tốc và bứt phá", cụ thể là:
-Ổn định, củng cố tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, hợp tác chính trị, ngoại giao, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương.
-Tăng cường, mở rộng hợp tác trên tất cả các trụ cột hợp tác quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, gồm kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, an ninh quốc phòng, và giao lưu nhân dân.
-Tăng tốc, bứt phá, tạo những chuyển biến thực chất trong hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác trong các ngành công nghệ mới nổi như AI, chíp bán dẫn...; hợp tác kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, đào tạo nghề và hợp tác lao động.
Trong đó, lưu ý tăng cường hợp tác nâng cao năng lực thích ứng và ứng phó với các thách thức toàn cầu; hỗ trợ Việt Nam xây dựng thị trường carbon, giảm phát thải khí nhà kính, tiếp cận các nguồn vốn để giúp Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác trong các cơ chế hợp tác trong Tiểu vùng Mekong.
Thủ tướng cũng đề nghị thúc đẩy các mô hình hợp tác 3 bên giữa Việt Nam - New Zealand với 1 hoặc 2 nước đảo Nam Thái Bình Dương, hoặc Việt Nam - New Zealand - Lào (trong năm Lào làm Chủ tịch ASEAN 2024); tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF).
"Với nền tảng vững chắc của lợi ích chung, sự đồng lòng và quyết tâm của chính phủ và nhân dân hai nước, chúng tôi tin tưởng rằng, tương lai mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và New Zealand sẽ ngày càng tươi sáng. Việt Nam sẽ nỗ lực làm hết sức mình để quan hệ hai nước chúng ta hướng tới một tầm cao mới, góp phần giúp mỗi nước giữ vững độc lập, chủ quyền, hòa bình và phát triển, lợi ích của hai dân tộc, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới", Thủ tướng kết thúc bài phát biểu.
Đây là hoạt động chính thức cuối cùng của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm New Zealand, cũng là hoạt động cuối cùng trong chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Australia và thăm chính thức Australia và New Zealan. Tối cùng ngày theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New Zealand lên đường về nước./.
Hà Văn