Quang cảnh một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN 

Vấn đề thúc đẩy và bảo đảm quyền con người được xác định là một trong ba trụ cột chính của Liên hợp quốc, cùng với các vấn đề an ninh, hòa bình và phát triển. Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc được thành lập năm 2006 theo nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc, có chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, một mặt bám sát các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn của các nước và các nhóm nước trong lĩnh vực này và có một hệ thống các cơ quan, cơ chế trực thuộc đặc biệt, được quan tâm và tham gia rộng rãi, đầy đủ nhất là Cơ chế Rà soát định kỳ Phổ quát (UPR).

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển, hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép. Nhìn chung, nội dung hoạt động của Hội đồng Nhân quyền ngày càng gắn trực tiếp hơn với các trọng tâm của Liên hợp quốc và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, như phát triển bền vững (thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững), ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em , người khuyết tật, các nhóm thiểu số, người di cư…). Đồng thời, Hội đồng nhân quyền xem xét, thảo luận về tình hình tại hầu hết các điểm nóng, các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang đột vũ trang có nguy cơ xảy ra vi phạm quyền con người trên phạm vi toàn thế giới.

Dấu ấn Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ khi cơ quan này được thành lập. Trong đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Ta tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh gia cao. Ta tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy các sáng kiển thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh gia cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…). Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền trong giai đoạn này, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế.

Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của Hội đồng Nhân quyền trên những vấn đề còn khác biệt ví dụ như về quyền sức khỏe sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tình dục…

Việt Nam cũng đã thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng Nhân quyền hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước.

Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2016, Việt Nam cũng được tín nhiệm bầu làm Điều phối ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền. Đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 đã góp phần thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước và nâng cao vị thế quốc tế đất nước; đồng thời nâng cao năng lực cán bộ ngoại giao đa phương, cán bộ công tác trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của ta.

Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) – Cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền; triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận, làm cơ sở để Việt Nam xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện để nộp Hội đồng Nhân quyền. Báo cáo này đã được công bố vào quý I/2022, cung cấp thông tin toàn diện và phản ánh chân thực những cam kết, nỗ lực của Việt Nam để tiếp tục ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đầy khó khăn. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR. Cho đến nay, với chỉ 79 quốc gia từng ít nhất một lần nộp Báo cáo giữa kỳ tự nguyện, và với chu kỳ III, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia đã xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện.

Những minh chứng xác đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người

Đoàn Việt Nam tham dự Phiên thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu tại Khóa họp lần thứ 50 Hội đồng Nhân quyền LHQ . (Nguồn: TTXVN) 

Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số các nước thành viên mới (14 thành viên mới).  Việc Việt Nam tiếp tục ứng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là hoàn toàn xứng đáng, tiếp nối những đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc trong xây dựng hòa bình, phát triển và đảm bảo quyền con người. ASEAN cũng đã chính thức công nhận Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khối. Đó là minh chứng xác đáng cho những thành tựu và nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Trên cơ sở đó, tháng 7/2020, ngay trong thời gian Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Tháng 2/2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh  (nay là Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ) phát biểu tại Phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Khóa 46 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông báo chính thức ứng cử của Việt Nam với tư cách là ứng cử viên duy nhất của ASEAN, cùng với thông điệp mạnh mẽ rằng: “Là một thành viên tích cực của LHQ cũng như cộng đồng quốc tế, Việt Nam khẳng định thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, và luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển quyền con người cả ở trong nước cũng như trên thế giới”.

Tháng 3/2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Khóa 49 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đưa ra thông điệp ứng cử và tôn chỉ hành động của Việt Nam là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền. Cho tất cả mọi người”, đồng thời nhấn mạnh các nội dung, vấn đề Việt Nam ưu tiên thúc đẩy khi trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền. Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Federico Villegas cho rằng, thông điệp ứng cử của Việt Nam chính là tinh thần các nước cần theo đuổi khi tham gia Hội đồng Nhân quyền. Với sự đa dạng về điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, các nước cần có sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng các giá trị chung của nhân loại, trong đó có luật pháp quốc tế và quyền con người. Ông Villegas cho rằng với Hội đồng Nhân quyền, việc có những nước đã thể hiện và sẵn sàng làm cầu nối cho hợp tác và đối thoại như Việt Nam là rất cần thiết, trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến rất phức tạp, còn nhiều khác biệt giữa các nước và các nhóm nước.

Quyền con người ở Việt Nam là quyền Hiến định, đã được thể hiện toàn diện, đầy đủ trong Hiến pháp - đạo luật nền tảng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 đều quy định các quyền dân sự, chính trị; các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; các quyền của nhóm dễ bị tổn thương. Có thể khẳng định rằng, việc Việt Nam lần thứ hai ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ là một chủ trương đúng đắn thể hiện trên thực tế đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng: “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”, đồng thời cũng minh chứng rất mạnh dạn cho những nỗ lực của ta trước những thành quả bảo đảm quyền con người trong thời gian qua.

Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước.

Việc Việt Nam tiếp tục ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 là sự tiếp nối chính sách đối ngoại của Đảng, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là nỗ lực đóng góp tiếp theo sự thành công của nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an 2020-2021 vừa qua. Nỗ lực đó cũng sẽ góp phần khẳng định nỗ lực, cam kết và thành tựu cũng như khả năng đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện thiện chí của Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước bạn bè, các nước đối tác, kể cả những nước có quan điểm khác biệt về quyền con người./.

 
T.Lan