Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
Trả lời câu hỏi phóng viên tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 3/11 về việc Việt Nam trông đợi gì từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, và Việt Nam làm gì để thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm liên quan đến Myanmar, Người Phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022 Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 và các hội nghị liên quan, diễn ra tại Thủ đô Phnom Penh từ 10-13/11.
Theo chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự nhiều hội nghị quan trọng, khoảng 20 hoạt động và cùng các nhà lãnh đạo thảo luận nhiều vấn đề lớn, như tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan điểm đối ngoại, vai trò trung tâm của ASEAN, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có nhiều cuộc gặp với lãnh đạo các nước đối tác, trao đổi các vấn đề liên quan đến ASEAN, cũng như quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác.
Là thành viên có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Campuchia, cũng như các thành viên khác của ASEAN đảm bảo hội nghị diễn ra thành công, đạt kết quả thực chất, góp phần củng cố đoàn kết thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; đẩy mạnh quan hệ cùng có lợi giữa ASEAN với các đối tác, xử lý hài hòa, cân bằng các vấn đề ASEAN phải đối diện, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, vì hòa bình và ổn định khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Về vấn đề Myanmar, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, Myanmar là nước láng giềng trong khu vực, và cùng là thành viên của ASEAN. Việt Nam luôn mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình, xây dựng phát triển đất nước, vì lợi ích của người dân Myanmar và tiếp tục đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và vững mạnh.
Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực của ASEAN, hỗ trợ Myanmar sớm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay, nhất là thông qua thực hiện Đồng thuận 5 điểm, với ưu tiên chấm dứt bạo lực, thúc đẩy đối thoại và hòa giải giữa các bên liên quan, vì lợi ích của người dân Myanmar, vì đoàn kết toàn vẹn ASEAN, vì hòa bình, hợp tác, ổn định của khu vực.
Việc hỗ trợ Myanmar cần được ASEAN triển khai từng bước, đồng bộ, cân bằng và minh bạch. Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần được lực lượng hạt nhân tập hợp và củng cố các nỗ lực quốc tế hỗ trợ cho Myanmar.
Tuấn Kiệt