Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị (Ảnh: PT)
Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 107 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa diễn ra từ 28/5 - 8/6/2018 tại Geneva, Thụy Sĩ, với sự tham dự của trên 5.000 đại biểu đại diện cho cơ quan của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động từ 187 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên ILO.
Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà dẫn đầu đã tham gia Hội nghị và có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng.
Báo cáo của ILO năm nay tập trung vào giải quyết những trở ngại cho bình đẳng giới trong công việc và xã hội. Các nội dung về tương lai việc làm, phòng ngừa lao động trẻ em, hội nghị thượng đỉnh về thế giới việc làm bao gồm việc làm tốt hơn, việc làm đối với lao động nữ và lao động trẻ được trao đổi và chia sẻ tại phiên họp toàn thể của Hội nghị. Các Uỷ ban của Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 107 đã trao đổi các vấn đề về hợp tác phát triển của ILO có hiệu quả để hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững; và thảo luận vòng hai về công ước phòng chống bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc.
Các nước thành viên của ILO chia sẻ và trao đổi những bài học hay và kinh nghiệm về chính sách, pháp luật; về thực tiễn thi hành; về hợp tác ba bên trong việc thúc đẩy việc làm bền vững và bình đẳng giới.
Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao và ủng hộ các sáng kiến Thiên niên kỷ về tương lai việc làm do Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder trình bày; đồng thời nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam rất coi trọng sự hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật của ILO, đặc biệt là trong các lĩnh vực cải cách pháp luật lao động, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội và cải cách lương, cũng như thực hiện các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế.
Với số lao động nữ chiếm 48,1% trong tổng số 54,8 triệu người lao động, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ là 72%, tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp là hơn 25%, Việt Nam ủng hộ chủ đề của Hội nghị năm nay là "Phụ nữ tại nơi làm việc: nỗ lực hướng tới bình đẳng giới”, cũng như các thảo luận vòng 2 nhằm thông qua được Công ước mới của ILO về "Chấm dứt bạo lực và quấy rối trong lao động".
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, nhận thức rõ vai trò đóng góp của lao động nữ cho sự thịnh vượng chung và phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên đảm bảo quyền của lao động nữ tại nơi làm việc. Điều này đã được thể hiện bằng việc ban hành luật pháp, chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ được nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý, lãnh đạo và có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận thị trường.
“Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra không ít thách thức, khó khăn, nhất là đối với phụ nữ. Phụ nữ ngày càng có nguy cơ bị loại ra khỏi nền kinh tế chính thức, hoặc có ít lựa chọn công việc hơn...”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà thông tin.
Chia sẻ tại Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trải qua những biến đổi to lớn về cấu trúc dẫn đến những thay đổi quan trọng trong phân công lao động và tính chất việc làm, xuất hiện những dạng việc làm mới, linh hoạt với những ràng buộc lỏng lẻo hơn, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên; tiếp tục duy trì và phát huy mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa ILO và các đối tác ba bên tại Việt Nam hướng tới đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả mọi người, đặc biệt là lao động nữ.
Bên cạnh các phiên họp chính thức tại Đại hội đồng, Đoàn đại biểu Việt Nam tiến hành đối thoại lao động thường niên năm 2018 với Thụy Sĩ; có các buổi tiếp xúc và làm việc với Phó Tổng giám đốc ILO, bà Deborah Greenfield; Giám đốc ILO khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và các ủy ban của ILO về các quyền và nguyên tắc cơ bản tại nơi làm việc, về điều kiện lao động và bình đẳng giới, gặp gỡ song phương với Canada, với một số đoàn ASEAN và các quốc gia thành viên Tiến trình Colombo nhằm duy trì, phát triển hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác về đối thoại xã hội, thị trường lao động, bảo hiểm xã hội, thúc đẩy việc làm bền vững, bình đẳng giới, bảo vệ lao động di cư.
Được biết, Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 107 diễn ra trong bối cảnh thế giới việc làm có nhiều thay đổi và nhiều thách thức liên quan đến quyền của người lao động, tạo việc làm trong bối cảnh phát triển khoa học kỹ thuật, chuyển dịch lao động, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững không ai để lại phía sau, hướng tới bình đẳng. Những thông điệp và khuyến nghị từ các báo cáo của ILO, cũng như chia sẻ kinh nghiệm của các nước sẽ là những bài học hay để Việt Nam tham khảo trong việc hoàn thiện và thực hiện các chính sách về lao động - việc làm hướng tới bình đẳng và phát triển bền vững./.
PT