|
ĐHQG TPHCM - Ảnh minh họa |
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện xuất hiện trong tốp 1.000 đại học tốt nhất thế giới do Quacquarelli Symonds (QS) đánh giá.
Trước đó, Việt Nam từng có 5 đại diện xuất hiện trong bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2018 là ĐHQG Hà Nội (139), ĐHQG TPHCM (142), ĐH Bách khoa Hà Nội (nhóm 291-300), ĐH Cần Thơ (nhóm 301-350) và ĐH Huế (nhóm 351-400).
Năm nay, các vị trí trong tốp 10 có sự chuyển biến nhẹ. Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ xếp thứ nhất. Các trường khác của Mỹ là ĐH Stanford, ĐH Harvard và Viện Công nghệ California giữ các vị trí tiếp theo.
ĐH Cambridge vượt qua một trường khác của Anh là ĐH Oxford, xếp vị trí thứ 5. Những cái tên tiếp theo trong tốp 10 lần lượt là Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (từ vị trí 10 lên 7), ĐH Hoàng gia London (8), ĐH Chicago (9) và ĐH College London (từ 7 xuống 10).
ĐH Công nghệ Nanyang của Singapore vượt qua ĐH Quốc gia Singapore để giữ vị trí 11, trong khi ĐH Quốc gia Singapore tụt xuống vị trí 15. Singapore cũng là quốc gia châu Á đạt thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng này.
|
ĐHQG Hà Nội - Ảnh minh họa |
Xét về tổng thể, các trường đại học của Mỹ chủ yếu tăng hạng so với năm ngoái. Trong khi đó, Australia bị đánh bật ra khỏi tốp 20 nhưng các vị trí khác trong bảng xếp hạng 100 đều giữ nguyên hoặc được cải thiện.
QS World University Rankings là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds, Anh quốc.
Các trường đại học được đánh giá dựa trên 6 tiêu chí: Danh tiếng học thuật (chiếm 40% tổng điểm), danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%), tỉ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỉ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%), số lượng giảng viên quốc tế (5%) và số lượng sinh viên quốc tế (5%). Năm nay, ĐHQG TPHCM có 2 tiêu chí đứng vào tốp 500 là tỷ lệ giảng viên/sinh viên (xếp hạng 375) và danh tiếng học thuật toàn cầu (xếp hạng 497).
QS World đưa ra bảng đánh giá bằng cách phân tích hơn 97 triệu trích dẫn từ 14 triệu bài báo trên hệ thống Scopus, tiếp nhận phản hồi từ 1,2 triệu học giả và 200.000 doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu để xác định các trường đại học xuất sắc nhất về đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Trên cơ sở phương pháp luận, các thang đo được thiết kế khoa học và các nguồn dữ liệu tin cậy, 1.011 trường đại học và viện nghiên cứu đến từ 85 quốc gia đã được vinh danh tại bảng xếp hạng QS World University Rankings 2019. Trong đó, 60 trường đại học lần đầu tiên góp mặt trong bảng xếp hạng lần này.
Từ năm 2014, ĐHQG TPHCM đã xuất hiện trên bảng xếp hạng theo khu vực châu Á của QS (QS Regional University Rankings - Asia, gọi tắt là QS Asia) với thứ hạng ngày được nâng cao từ tốp 250 đến hạng 142 vào năm 2018.
Vũ Phong