|
Doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại Shop & Store Vietnam 2018. Ảnh: VGP/Lê Anh
|
Đây là nhận định chung của các chuyên gia khi tham dự triển lãm bán lẻ và nhượng quyền thương mại Việt Nam (Shop & Store Vietnam 2018) diễn ra ngày 28/3 tại TPHCM
Triển lãm thu hút sự có mặt của hơn 70 thương hiệu đến từ 18 quốc gia và khu vực. Các thương hiệu mang đến Triển lãm những nền tảng công nghệ bán lẻ độc đáo, cơ hội kinh doanh mới để phát triển toàn diện ngành bán lẻ và nhượng quyền với 3 chuyên ngành chính là bán lẻ, nhượng quyền thương mại và lắp đặt cửa hàng.
Đánh giá về thị trường bán lẻ và nhượng quyền thương mại Việt Nam, ông Suttisak Wilaman, Phó giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex, cho rằng Việt Nam là thị trường mới nổi của ngành bán lẻ và nhượng quyền thương mại, hội đủ các yếu tố tiềm năng như: Thị trường tiêu dùng lớn, mức thu nhập tăng nhanh và một thế hệ người tiêu dùng trẻ năng động… những yếu tố này, mang lại triển vọng lạc quan cho ngành bán lẻ cũng như nhượng quyền thương mại phát triển trong những năm tới.
Hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới thông qua nhượng quyền thương mại. Bà Nguyễn Phi Vân, Nhà Sáng lập & Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia dự báo, từ năm 2018 trở đi, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến tiềm năng cho các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là thương hiệu khu vực. Do đó, các đơn vị nhận nhượng quyền thương mại địa phương cần có sự nhận thức đầy đủ cũng như cập nhật thông tin về ngành để chọn lựa tiếp nhận những thương hiệu nhượng quyền bài bản thì tỷ lệ thành công cao hơn. Bên cạnh đó, các thương hiệu địa phương cần tăng tốc để áp dụng và bắt kịp các tiêu chuẩn toàn cầu về bán lẻ và nhượng quyền thương mại.
Ông Trần Trọng Huy Thông, Trưởng phòng Marketing & Phát triển Thương hiệu của Công ty Miniso Vietnam cho biết, tỉ lệ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng (CAGR) của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 được dự báo sẽ thuộc loại cao nhất trong khu vực ASEAN, có thể đạt 8%/năm. Điều này, đã và đang mang đến cho các thương hiệu tiêu dùng nhiều cơ hội phát triển nhưng đòi hỏi vượt qua nhiều thách thức trong việc thói quen và hành vi tiêu dùng thay đổi. Trong đó xu hướng mua sắm trực tuyến không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến.
Lê Anh