|
Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho bà con xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ. (Ảnh: Đức Duẩn) |
Nhận diện những thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua, bán người
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp trong thời gian qua, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn, nổi lên là: Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội (zalo, facebook) với tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài...; Các đối tượng trong nước cấu kết với đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín nhằm dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân trong nước để đưa ra nước ngoài nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn, cho hoặc nhận con nuôi trái pháp luật; bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh massage, karaoke ép bán dâm hoặc cưỡng bức lao động; muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn; Các đối tượng tìm kiếm, tiếp cận làm quen với bệnh nhân mắc bệnh thận, suy thận có nhu cầu ghép thận, môi giới, thỏa thuận giá cả mua bán, tổ chức đưa người bán, người mua thận đi xét nghiệm, làm thủ tục liên quan, đợi ngày ghép thận và hưởng lợi bất chính; Các đối tượng lập hội, nhóm kín “cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội, tìm kiếm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin con nuôi, sau đó bán lấy tiền hưởng lợi; dụ dỗ, môi giới việc làm, lừa bán cho các chủ tàu khai thác thủy sản trên biển.
Mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao, chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí. Liên hợp quốc xác định hành vi mua, bán người là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu, đòi hỏi chính phủ các quốc gia phải có sự hợp tác chặt chẽ, cùng nhau đấu tranh, ngăn chặn và kiên quyết loại bỏ.
Chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết đấu tranh với tội phạm mua bán người. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh nhằm đẩy lùi tội phạm mua bán người, góp phần thực hiện mục tiêu “bảo vệ an ninh con người”.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống mua bán người
Tội phạm mua, bán người đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị hại. Trong thời gian qua, Ðảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng công tác đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này, đồng thời xác định bảo vệ quyền cho nạn nhân mua bán người là trọng tâm của Việt Nam trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này, từ đó, góp phần bảo đảm quyền con người. Trong đó, việc điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm mua bán người và hỗ trợ nạn nhân phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng được triển khai quyết liệt và có hiệu quả, gồm việc ban hành các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật như: Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người, Nghị định số 62 năm 2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ...
Luật phòng, chống mua bán người năm 2011 đã đưa nội dung phòng ngừa mua bán người vào chương trình phòng chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giảm nghèo; bình đẳng giới; bảo vệ trẻ em; chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ và các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết một cách có hiệu quả tệ nạn mua bán người.
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Ngay sau Kỳ họp thứ 7, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật cũng đã được gửi xin ý kiến Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 8/2024). Đến nay, về cơ bản, dự thảo Luật không có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan và đã có sự thống nhất cao.
Nâng cao nhận thức về phòng chống tội phạm mua bán người
Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực phòng, chống mua bán người và hỗ trợ các nạn nhân phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng. Từ năm 2016, Việt Nam chọn ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người.
Phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài và được chú trọng từ lâu. Kể từ khi Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 được ban hành vào tháng 2/2021, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công. Trong đó, nỗ lực nổi bật nhất là việc các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người được ban hành một cách kịp thời, hiệu quả.
Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao, cho tới nay, ta đã tổ chức tổng điều tra, rà soát tội phạm mua bán người; đồng thời tổ chức 130 khóa tập huấn liên ngành theo chuyên đề cho gần 6.000 cán bộ liên quan. Ngoài ra, trên 100 lớp tập huấn đã được tổ chức nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho gần 3.000 lượt cán bộ Bộ đội Biên phòng, cán bộ kiêm nhiệm làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống mua bán người, tiếp nhận nạn nhân; tập huấn liên ngành cho lãnh đạo cấp huyện của Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Biên phòng của cả 63 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao kỹ năng chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người.
|
Lực lượng Công an phối hợp với các đơn vị chức năng tuần tra ở các tuyến biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. (Ảnh: cand.com) |
Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống mua bán người
Thời gian qua, ta đã tổ chức triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp, truy nã tội phạm mua bán người, tội phạm đưa người ra nước ngoài trái phép; mở các đợt cao điểm điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người; tổ chức Hội nghị, tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng ngừa, nhận diện tội phạm mua bán người; tổ chức tập huấn công tác phòng, chống tội phạm mua bán người cho lực lượng Cảnh sát hình sự 63 địa phương; triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới; tổ chức Hội nghị liên ngành đánh giá công tác phòng, chống mua bán người trên tuyến biên giới.
Trên toàn tuyến biên giới, Việt Nam đã chủ động phối hợp với các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, để tổ chức các chiến dịch cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm mua, bán người; bảo vệ nạn nhân bị mua, bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, tại khu vực biên giới…
Hàng năm, Bộ Công an mở đợt cao điểm đấu tranh với tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc và trên toàn tuyến biên giới, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người và kịp thời truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng trước pháp luật. Giai đoạn 2018 - 2022, cả nước đã phát hiện 440 vụ mua bán người với 876 đối tượng và 1.240 nạn nhân. Trong năm 2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 90 vụ/247 đối tượng phạm tội mua bán người liên quan đến 222 nạn nhân bị mua bán. Công tác án lệ cũng được phát triển, áp dụng. Năm 2023, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 02 án lệ về mua bán người (Án lệ số 65/2023/AL VÀ 66/2023/AL)
Theo thống kê, từ năm 2018 - 2023, tổng số các vụ việc vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người gồm 394 vụ/837 đối tượng. Trong đó, số vụ xử lí hình sự là 386 vụ/808 đối tượng.
Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Trong giai đoạn 2019 - 2021, các Trung tâm trợ giúp pháp lý ở các tỉnh/thành phố thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho 100% nạn nhân bị mua bán người có khó khăn về tài chính, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, trong đó, 96% vụ việc tham gia tố tụng. Theo đó, các nạn nhân bị mua bán (tùy theo nhu cầu, nguyện vọng) được tiếp nhận và lưu trú tạm thời tại Trung tâm bảo trợ Xã hội hoặc Cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã tích cực triển khai Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; tổ chức xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu và thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán..., trong đó nổi bật là vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Hiện đang có trên 400 Trung tâm Bảo trợ xã hội do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và 03 cơ sở hỗ trợ nạn nhân của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng với các Tổ chức quốc tế thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân. Các nạn nhân được hỗ trợ các dịch vụ như: trợ cấp khó khăn ban đầu, học nghề, tạo việc làm, vay vốn, khám chữa bệnh, tư vấn tâm lý và trợ giúp pháp lý… với tổng kinh phí hỗ trợ gần 5 tỷ đồng. Một số mô hình hỗ trợ nạn nhân ở các địa phương được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn như mô hình Nhóm tự lực, mô hình kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS…
Hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người được triển khai hiệu quả
Việt Nam tham gia thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm các khuôn khổ hợp tác đa phương về phòng, chống tội phạm mua bán người như Công ước ASEAN và Kế hoạch hành động ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; các cơ chế phòng chống mua bán người khu vực Tiểu vùng sông Mê Công; Tiến trình Bali về phòng chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia; Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác song phương về phòng chống mua bán người với các nước.
Đồng thời, tổ chức đối thoại về di cư và xuất nhập cảnh với Vương quốc Anh; phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế và Hội đồng Anh tại Việt Nam triển khai dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại”; phối hợp với các nước giáp ranh duy trì đường dây nóng, điều tra, truy bắt tội phạm mua bán người, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về… ; tổ chức 02 khóa tập huấn nâng cao năng lực tội phạm mua bán người;
Đặc biệt, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác ASEAN - Australia về phòng chống mua bán người (Chương trình ASEAN-ACT) tại Việt Nam giai đoạn 1 từ 2019 - 2023, đã có 123 hội thảo, hội nghị, tập huấn, trong đó có 43 chương trình đào tạo năng lực cho 573 đại biểu.
Trong thời gian tới, ta tiếp tục triển khai có hiệu quả Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC), Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc mua bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, duy trì các kênh liên lạc, trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh, bắt giữ tội phạm, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các hội thảo, tập huấn, khoá đào tạo ngắn hạn cho hàng nghìn cán bộ về các chuyên đề, lĩnh vực liên quan đến phòng, chống mua bán người.
Việt Nam là quốc gia có đường biên giới đất liền trải dài 25 tỉnh với trên 4.000 km, tiếp giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc, nhiều đường mòn, lối mở, tiểu ngạch, lối tắt qua lại. Vị trí địa lý đó là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm mua bán người Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đã mang lại những kết quả tích cực, tuy nhiên loại hình tội phạm này vẫn diễn ra với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Thực tế đó tiếp tục đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong cuộc chiến chống mua bán người, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho người dân./.