|
Ảnh minh hoạ |
Báo điện tử Frontera của Italy vừa có bài viết với tiêu đề “Vị trí của Việt Nam trong Thế kỷ châu Á”.
TTXVN dẫn nội dung bài báo cho rằng kể từ khi thực hiện những cải cách kinh tế (công cuộc đổi mới) vào năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Ngoài một giai đoạn ngắn vấp phải khó khăn về kinh tế và biến động về tài chính từ năm 2009 đến năm 2012, Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6%/năm, và hiện đang ở ngưỡng cửa của câu lạc bộ các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình.
Với GDP bình quân đầu người khoảng 2.200 USD, người Việt Nam đang bắt đầu trải qua sự bùng nổ về tiêu dùng bền vững do thu nhập sau thuế hiện đủ cao để kích thích chi tiêu cho mọi thứ, từ giải trí cho đến ô tô và các kỳ nghỉ.
Tác giả bài báo nhận định: Xét trên nhiều khía cạnh, Việt Nam là một mô hình thu nhỏ trong câu chuyện phát triển kinh điển của châu Á trong những thập niên gần đây. Là một thuộc địa cũ của châu Âu và đã đứng lên giành lại tự do trước những kẻ áp bức, Việt Nam giờ đây đã thoát khỏi tình trạng cô lập và trở thành một "con hổ" kinh tế theo đuổi các xu hướng toàn cầu hóa và tự do thương mại.
Cũng theo bài báo, nhưng điều làm cho Việt Nam trở nên đặc biệt là nước này có thể là nước cuối cùng trong thế hệ những nền kinh tế châu Á vốn từ nghèo đói trở nên giàu có. Nhật Bản vào những năm 1970, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) vào những năm 1980, Thái Lan và Malaysia vào những năm 1990, và Trung Quốc trong thế kỷ này, tất cả đã nhanh chóng bước lên bậc thang kinh tế thông qua xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, chủ yếu sang phương Tây... Việt Nam đã và đang có những bước đi theo hướng của những nền kinh tế nói trên.
Từ xuất khẩu đồ nội thất và nông sản trong vài thập kỷ trước đó, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất hàng dệt may và giày dép được ưa chuộng và hiện đang quan tâm một cách nghiêm túc đến lĩnh vực hàng điện tử: Samsung đã đầu tư gần 15 tỷ USD vào các nhà máy ở Việt Nam, chiếm gần một phần tư lượng xuất khẩu của cả nước. Việt Nam giờ đây là một trong những nhà xuất khẩu thiết bị cầm tay cũng như tivi màn hình phẳng lớn nhất thế giới.
Bài báo cũng cho rằng nhờ có vị trí chiến lược quan trọng, dân số trẻ với gần 100 triệu người, lực lượng lao động có trình độ văn hoá cao, một tầng lớp tiêu dùng năng động ưa thích ứng dụng công nghệ mới, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục có bước nhảy vọt hướng tới địa vị một nước phát triển. Khi nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu trở nên quan trọng trong khu vực, tầm quan trọng về địa chính trị của Việt Nam cũng sẽ được tăng cường.
PN