Việt Nam hướng đến các mặt hàng thể thao xuất khẩu “made by Vietnam” 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tham vọng của Việt Nam là sản xuất hàng hóa xuất khẩu “made by Vietnam” (do Việt Nam sản xuất) chứ không phải “made in Vietnam” (sản xuất ở Việt Nam); đề nghị Liên đoàn công nghiệp đồ thể thao châu Âu (FESI) tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam đối với các ngành hàng da giày, đồ thể thao...

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp ông Manuel Pauser, Phó Chủ tịch FESI kiêm Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ và cộng đồng toàn cầu của hãng Adidas. (Ảnh: TTXVN)

Trong buổi tiếp ông Manuel Pauser, Phó Chủ tịch FESI kiêm Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ và cộng đồng toàn cầu của hãng Adidas, chiều 14/12 tại thủ đô Brussels, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tham vọng của Việt Nam là sản xuất hàng hóa xuất khẩu “made by Vietnam” (do Việt Nam sản xuất) chứ không phải “made in Vietnam” (sản xuất ở Việt Nam).

Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra trong suốt hai năm vừa qua khi số lượng đơn hàng ngành dệt may, da giày liên tục sụt giảm trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Việt Nam là nước có nguồn cung cấp ổn định về sản lượng cũng như chất lượng các mặt hàng dệt may, đồ thể thao cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trên thế giới. Do đó, Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục quan tâm, ưu tiên lựa chọn Việt Nam là đơn vị sản xuất cung cấp các mặt hàng này trong thời gian tới.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã đi vào thực thi và có hiệu lực, các mặt hàng dệt may, da giày của Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan, với mức thuế ưu đãi thấp hơn nhiều so với thuế ưu đãi theo cơ chế tối huệ quốc (MFN). Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định đây là lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp EU khi lựa chọn Việt Nam là đối tác sản xuất, cung cấp và nhập khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu. Đây là ngành có thế mạnh xuất khẩu lớn nên hy vọng hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả thực thi EVFTA trong lĩnh vực này, góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và các lợi ích an sinh xã hội khác cho cả hai bên.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để kịp thời thông tin cho nhau những xu hướng phát triển hay những thay đổi trong các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hóa nhập khẩu nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp có đủ thời gian thích ứng và điều chỉnh kế hoạch, tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn FESI tăng cường trao đổi và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may, da giày, tăng cường năng lực chuyên môn, kỹ năng, tay nghề để có thể tiếp cận và làm chủ các công nghệ, thiết bị mới, tiên tiến trên thị trường thế giới. FESI thường xuyên trao đổi, tư vấn và hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giày, cũng như phối hợp với phía Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá ở thị trường châu Âu, nhằm giới thiệu các sản phẩm Việt Nam, cũng như năng lực của ngành dệt may - da giày Việt Nam, giúp nâng cao giá trị và lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị FESI thúc đẩy vận động phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) tại các nước EU. Đây là việc hết sức quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của cả EU và Việt Nam triển khai các hoạt động đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực dệt may, da giày.

Về phần mình, ông Manuel Pauser, đã cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của chính phủ Việt Nam trong đợt dịch COVID-19, mở cửa lại sản xuất. Chính sách ngoại giao vaccine của Việt Nam trong thời gian rất ngắn, đã huy động một số lượng vaccine rất lớn thực hiện chiến dịch tiêm chủng ở quốc gia này, giúp cho tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam rất cao. Điều này tạo cho các nhà đầu tư châu Âu lòng tin về sự an toàn của Việt Nam và cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn.

Ông Manuel Pauser cho rằng người lao động Việt Nam cần cù, chịu khó, sáng tạo, và đặc biệt ngành dệt may, da giày sử dụng chủ yếu lao động nữ, là những yếu tố thu hút các nhà đầu tư châu Âu của FESI tới làm ăn ở Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày bỏ mong muốn FESI tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này để hàng da giày, đồ thể thao của Việt Nam được khẳng định trên thị trường châu Âu và trên thế giới.

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành da giày Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 4,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 25,1% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Tính hết 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 5,6 tỷ USD tăng 40,1% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 4,8 tỷ USD tăng 24,1% so với cùng kỳ và mặt hàng túi xách, va li, mũ ô dù đạt 754,1 triệu USD tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và đại diện của FESI là sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ EU-ASEAN./.

 
Theo TTXVN
484 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1129
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1129
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87104182