Đây là ý kiến được nêu lên tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020 (VRDF) diễn ra ngày 29/9 tại Hà Nội.
Với chủ đề “Việt Nam hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch COVID-19”, VRDF là dịp để Việt Nam tìm hiểu, học hỏi các bài học kinh nghiệm trên thế giới, được lắng nghe các ý kiến tư vấn, khuyến nghị sâu sắc của các chuyên gia, các học giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, Cộng hòa E-xtô-nia, Cộng hòa Liên bang Đức đối với hai trọng tâm chính là: 1) COVID-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu; 2) Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững.
Mục tiêu quan trọng nhất của Diễn đàn năm nay là cung cấp đầu vào giúp Việt Nam hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030 và phương hướng phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025”, đồng thời là dịp để các học giả, chuyên gia quốc tế trao đổi, thảo luận về những phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như để Việt Nam chia sẻ với các nước có cùng trình độ phát triển kinh nghiệm về thành công và thất bại của mình.
Thách thức song hành cùng cơ hội mới cho Việt Nam phát triển
|
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Lê Tiên) |
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là diễn đàn lần thứ 3 được tổ chức và diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt, khi Việt Nam đang và sẽ bước vào thời kỳ quan trọng để đưa Việt Nam từ nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp hiện nay lên địa vị nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tiếp đó trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Hơn nữa, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, đặt ra cho Việt Nam những thách thức không nhỏ nhưng đồng thời cũng đem lại những cơ hội mới cho phát triển.
Cũng theo Bộ trưởng Dũng, giai đoạn qua, từ một quốc gia kém phát triển, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, tỷ lệ đói nghèo cao, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành nước thu nhập trung bình (thấp) vào năm 2010. Quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 100 USD trước năm 1990 lên gần 2.800 USD. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Bộ trưởng khẳng định, cho đến nay, Việt Nam vẫn kiềm chế, kiểm soát được dịch COVID-19 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao với mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân đồng tình ủng hộ. “Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, GDP 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng dương, đạt gần 2%. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 11,9 tỷ USD. Sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong những tháng vừa qua. Tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 11,35 tỷ USD, bằng 94,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là những thành tựu rất đáng tự hào của Việt Nam trong bối cảnh suy giảm mạnh trên toàn cầu do cú sốc COVID-19.Theo xếp hạng sức khoẻ tài chính của tạp chí The Economist tháng 5/2020, Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi, thuộc nhóm An toàn trong bối cảnh đại dịch.
Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, dự báo Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong thời gian tới, đó là: đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tạo ra sự bất ổn lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn cầu. Dự báo triển vọng phục hồi kinh tế thế giới sẽ diễn ra chậm,trong khi căng thẳng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, biến động chính trị tiếp tục gia tăng tác động trực tiếp tới nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém nội tại của một nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ và khu vực đầu tư nước ngoài. Do đó, trong trung và dài hạn, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác, giải quyết các thách thức môi trường, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ... là những nhiệm vụ phát triển lớn đặt ra với cho Việt Nam. Trong ngắn hạn, vấn đề đặt ra là: cần nhanh chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tận dụng hiệu quả các cơ hội phát triển xuất hiện từ khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội
|
Các đại biểu tham dự Diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: HNV) |
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, để ứng phó với khó khăn, thách thức, Việt Nam cần tận dụng tối đa những lợi thế, nhận diện rõ ràng các cơ hội đang có. Theo đó, tiềm năng đất nước, bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu COVID-19” và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang tạo ra cơ hội thuận lợi để tái cơ cấu, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm. Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP, Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn của trong các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi số cũng đang rộng mở, đặc biệt khi kinh tế không tiếp xúc, thương mại điện tử của Việt Nam đã tạo được những bước phát triển nhanh trong đại dịch. Các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo cũng có bước tiến mạnh mẽ, vững chắc. Đầu tháng 9 vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc (WIPO) đã ghi nhận Việt Nam ở vị trí thứ 42 trên 131 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương chúc mừng Việt Nam vì "đã làm đặc biệt tốt trong việc nhanh chóng ngăn chặn đại dịch, giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế".
Bà Victoria Kwakwa cũng cho rằng đại dịch đã làm cho mạng sản xuất toàn cầu đang bị đứt gãy trên quy mô chưa từng thấy. Tất cả những trung tâm quan trọng nhất của mạng lưới toàn cầu này đều bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus. "Nhưng trong thách thức có cơ hội, thách thức tạo ra các cơ hội mới. Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phục hồi kinh tế mạnh mẽ và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu" - bà Kwakwa nói.
Cũng theo nữ Phó Chủ tịch WB này, đại dịch COVID-19 có thể khởi phát những thay đổi lâu dài về tổ chức và công nghệ đối với cách thức hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa sản xuất, phát triển thương mại điện tử… Do đó, việc tái phân bổ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của các công ty đa quốc gia theo hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và việc hình thành các liên minh kinh tế mới chính là cơ hội cho các nước đang phát triển, Việt Nam nên nắm bắt tốt cơ hội này.
Tham gia thảo luận trực tuyến từ Indonesia, TS Jonathan Pincus, cố vấn cao cấp của WB, nhận định rằng Việt Nam vẫn là một đất nước có lợi thế thu hút FDI, đặc biệt khi thu nhập bình quân tăng lên, Việt Nam sẽ là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. "Việt Nam nên tập trung phát triển các ngành sản xuất ít thâm dụng lao động, các ngành kinh tế xanh, hướng đến tính hiệu quả thay vì số lượng. Cần thu hút FDI hiệu quả theo hướng các doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Thách thức của Việt Nam không phải là thu hút thêm FDI mà là tăng cường năng lực cho doanh nghiệp trong nước để kết nối với FDI, gia tăng hàm lượng công nghệ, công nghiệp" - ông nói.
Trong khi đó, theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, thế giới đang phải đối mặt với cú sốc lớn nhất kể từ sau thế chiến lần thứ hai. Thế giới đang thay đổi và Việt Nam cũng vậy. Lãnh đạo WB tại Việt Nam cho rằng, trong khi nhiều quốc gia đang chật vật với COVID-19 thì Việt Nam đã thành công bước nào trong ngăn chặn COVID-19. Những tuần gần đây, Chính phủ Việt Nam hành động hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch tại Đà Nẵng. Dù dịch bệnh đang được khống chế tốt nhưng điều đáng lo ngại là các biện pháp chống dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, đi lại... "Việt Nam đã bắt tay vào chuyển đổi số và có thể cần làm nhiều việc hơn thế nữa. Ngày mai con em chúng ta sống trên thế giới các dịch vụ giáo dục, y tế qua mạng. Do vậy, Chính phủ Việt Nam phải đẩy mạnh quá trình này thông qua đề án dịch vụ công quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ sinh thái bao trùm" - bà Carolyn Turk khuyến nghị.