Việt Nam gia nhập Công ước về quyền tổ chức và thương lượng tập thể 

(Chinhphu.vn) – Sáng 14/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Ngày 6/6/2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi dự thảo “Nghị quyết việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể”.

Đến ngày 12/6/2019, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nhận được 368 ý kiến tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó có 353 ý kiến nhất trí hoàn toàn dự thảo Nghị quyết, 15 ý kiến tham gia cụ thể một số nội dung và kỹ thuật văn bản. UBTVQH đã tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Nghị quyết được thông qua quyết nghị gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động Quốc tế thông qua ngày 1/7/1949 tại Geneva (Thụy Sỹ), và đã có 165/187 quốc gia thành viên của ILO tham gia.

Công ước số 98 có 16 Điều, gồm ba nội dung cơ bản: (i) bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; (ii) bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động;  (iii) những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.

 

Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 tại Phụ lục 02 và các văn bản pháp luật khác để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và thực hiện các cam kết trong Công ước số 98.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 98; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 98 để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đăng ký gia nhập Công ước số 98 và xác định thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam theo quy định của Công ước.

Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nguyễn Hoàng

481 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 816
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 816
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87137766