Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ là nội dung chính trong trao đổi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thư ký Cộng đồng Pháp ngữ Louise Mushikiwabo, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến trụ sở Cộng đồng Pháp ngữ vào tháng 11/2021 

Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) lần đầu tiên tổ chức Đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ mang tính đa phương từ ngày 21-30/3-2022 tại Việt Nam và Campuchia. Đây là  chương  trình hợp  tác kinh tế mới của OIF nhằm hỗ  trợ  cụ thể cho các doanh nghiệp Pháp ngữ mở rộng hoạt động quốc tế.

Đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ do Tổng thư ký của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, bà Louise Mushikiwabo, dẫn đầu, và bao gồm ba chặng: Tại Thành phố Hồ Chí Minh: từ 21‐23/3/2022; Tại Hà Nội: từ 24‐26/3/2022; Tại Phnôm Pênh: từ 28‐30/3/2022. 

Việt Nam là nước đầu tiên được Đoàn doanh nghiệp Pháp ngữ đến thăm nhằm triển khai Chiến lược kinh tế Pháp ngữ 2020-2025. Việc chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên của đoàn thể hiện đặc biệt coi trọng vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ. Tại Việt Nam, OIF đồng tổ chức với Bộ Ngoại giao và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Đoàn sẽ tạo cơ hội để 102 doanh nhân và chủ thể kinh tế quốc tế (76 từ Châu Phi, 18 từ Châu Âu, 05 từ Ấn Độ Dương, 02 từ Bắc Mỹ và 01 từ Caribê) đến từ 24 quốc gia và chính phủ thành viên của OIF và hơn  420  doanh nghiệp Viêt Nam gặp gỡ,  thảo luận về  các  dự án kinh doanh, đầu  tư,  tập  trung trong 03 lĩnh vực: nông nghiệp‐chế biến  thực phẩm, năng lượng bền vững, hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số.

Tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, chương trình dự kiến gồm Diễn đàn kinh tế cấp cao nhằm giới thiệu các định hướng chiến lược, cơ hội kinh doanh, đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các cuộc gặp gỡ trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp theo hình thức B2B, các chuyến tham quan doanh nghiệp và các dạ tiệc giao lưu, kết nối.

Thông qua Đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ này, OIF muốn hỗ trợ các Quốc gia và chính phủ thành viên, nhất là nước chủ nhà, mạnh và cụ thể trong việc thúc đẩy hợp tác phục  hồi  chắc  và  bền  vững  các  nền  kinh  tế  Pháp  ngữ,  vốn  đã  chịu  tác  động  nặng  nề  từ  đại  dịch CVID‐19.

Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), có FTA với 60 nền kinh tế, trong đó có một số nền kinh tế Pháp ngữ. Đây là điều kiện thuận lợi và cơ sở pháp lý để Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế, đặc biệt là hợp tác về nông nghiệp, viễn thông và mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác khác với các nước Pháp ngữ.

Việt Nam là thành viên luôn chủ trương thúc đẩy hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực hoạt động của Pháp ngữ, bắt đầu từ khi Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7/1997.

Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) phối hợp với Đại học Quốc gia tổ chức diễn đàn quốc tế Franconomics hằng năm (bắt đầu từ 2019); hỗ trợ Việt Nam tổ chức một số hội thảo quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và châu Phi, gần đây nhất là hỗ trợ Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo quốc tế về hợp tác nông nghiệp Việt Nam-châu Phi (tháng 9/2021).

Từ tháng 9/2020 đến nay, OIF triển khai dự án thí điểm hợp tác phi tập trung nhằm hỗ trợ thanh niên và phụ nữ trong sản xuất lúa gạo, sắn, khắc phục hậu quả thiên tai tại Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Đồng Tháp.

Là thành viên của Pháp ngữ từ năm 1979, triển khai đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, từ nhiều năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp ngữ, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Cộng đồng, đóng vai trò nòng cốt của phong trào Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự các Hội nghị cấp cao (HNCC) Pháp ngữ, thể hiện cam kết ở cấp cao của Việt Nam đối với Cộng đồng Pháp ngữ. Đặc biệt, năm 1997, Việt Nam đã đăng cai tổ chức HNCC đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Pháp ngữ tại châu Á.

Hiện nay, do tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng, từ hoạch định chiến lược hợp tác, thúc đẩy cải cách hành chính nên Việt Nam được coi thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói quan trọng đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ.

Việt Nam nhiều lần được tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF) năm 1996, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF) (1996-1997), Chủ tịch HNCC Pháp ngữ (1997-1998)...

Từ tháng 3/2019, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban kinh tế CPF. Tháng 9/2020, Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai được bổ nhiệm làm Trưởng Đại diện Văn phòng Pháp ngữ tại khu vực Tây Phi, là người châu Á đầu tiên đứng đầu một văn phòng khu vực của OIF. Hiện Quốc hội Việt Nam cũng đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).

Có thể nói, Việt Nam là đầu tàu của Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính vì vậy, Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Cơ quan Đại học Pháp ngữ được đặt tại Hà Nội từ đầu những năm 1990. Trung tâm đào tạo Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng được đặt tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong quá trình đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam luôn tích cực đề cao đối thoại, hợp tác, đóng góp vào nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các bất ổn, xung đột, trong đó có một số nước châu Phi thành viên Pháp ngữ.

Phần lớn các nước Pháp ngữ đều coi Việt Nam là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, khâm phục tinh thần quật cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam, và ngày nay là tấm gương thành công trong xóa đói nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Nhiều nước mong muốn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội với Việt Nam, cho rằng Việt Nam là một đối tác tin cậy và quan trọng, đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, bền vững và đoàn kết trong cộng đồng./.

 
Mạnh Hùng