Việt Nam đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép 

(Chinhphu.vn) - Đó là bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hàng đầu.

 

Ảnh minh họa
Tại Chương trình sinh hoạt y khoa Pháp-Việt lần thứ 23 với chủ đề “Tối ưu hóa quản lý bệnh tăng huyết áp và tiểu đường: Vai trò thiết yếu của sự kết hợp giữa điều trị và giáo dục”, do Bộ Y tế phối hợp với Đại sứ quán Pháp vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, bên cạnh việc đời sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt thì mô hình bệnh tật ở Việt Nam cũng đang có sự thay đổi.

Việt Nam đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép, đó là bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong (chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc).

Trong các bệnh lý không lây nhiễm, thì bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường là những nguyên nhân hàng đầu của tử vong, tàn tật và gánh nặng y tế.

Theo kết quả nghiên cứu quốc gia năm 2015 của Bộ Y tế, tỷ lệ tăng huyết áp chưa được chẩn đoán là 56,9%, tỷ lệ này ở đái tháo đường lên đến lên đến 69,9%; về quản lý bệnh, tỷ lệ tăng huyết áp chưa được quản lý là 86,4%, tỷ lệ này ở đái tháo đường là 71,1%.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế; người bệnh chưa tuân thủ điều trị; nhận thức và năng lực của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt hoạt động khám, phát hiện sớm bệnh, điều trị tập trung chính vào cung cấp thuốc, chưa thực hiện các tư vấn, can thiệp về các yếu tố nguy cơ gây bệnh, tư vấn về tuân thủ điều trị...

Đây là thách thức lớn trong việc đạt được mục tiêu kiểm soát tăng huyết áp và đái tháo đường ở Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để phòng chống và hạn chế các bệnh không lây nhiễm nói chung và các bệnh tim mạch và tiểu đường nói riêng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Chương trình Sức khỏe Việt Nam” với 11 giải pháp, trong đó có 4 giải pháp đang được triển khai tích cực, bao gồm: Dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, phòng chống tác hại thuốc lá và phòng chống tác hại rượu bia.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang triển khai thí điểm chương trình phát hiện sớm các bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư. Ngành y tế cũng chú trọng tới các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường sức khỏe, gắn với y tế cơ sở ở xã, phường, quận, huyện; đổi mới cơ chế tài chính, tiến tới bao phủ sức khỏe toàn dân.

Trong những năm qua, các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực y tế ngày càng được tăng cường và mở rộng. Chương trình sinh hoạt y khoa Pháp - Việt là một trong những hoạt động hợp tác có chiều sâu, nhằm cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức cho các thầy thuốc Việt Nam. Đây cũng là dịp để các giáo sư, bác sĩ đầu ngành hai nước gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật các kiến thức mới trong phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị các bệnh không lây nhiễm.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm nay, Chương trình sinh hoạt y khoa Pháp - Việt sẽ bàn thảo về một  mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm có tính khả thi và hiệu quả  cao có tên là "Ngày đầu tiên" được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2016.

Đây là mô hình sáng tạo với tổ hợp các hoạt động khép kín theo vòng đời nhằm chăm sóc sức khỏe cho người dân gồm: Tầm soát phát hiện bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường sớm, đào tạo phương pháp tư vấn mới cho y bác sĩ, đào tạo trực tuyến cho đội ngũ điều dưỡng, giáo dục bệnh nhân qua website. Đây là dự án phi lợi nhuận được sự bảo trợ của cộng đồng Pháp ngữ, Hội Tim mạch và đái tháo đường quốc gia.  

BT

398 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1064
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1064
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87123787