Đó là thông tin được công bố tại Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2019 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 14/8 tại Hà Nội. Năm nay Diễn đàn có chủ đề xuyên suốt là “Cá nhân hóa trải nghiệm”.
Diễn đàn VECOM 2019 thu hút đông đảo doanh nghiệp tham dự. (Ảnh: K.D)
Đáng chú ý, với sự phát triển của nền tảng internet, FMCG của nhiều lĩnh vực đang có xu hướng bùng nổ trên thị trường như tin tức, giải trí và tài khoản giải trí cá nhân ngày càng phát triển rầm rộ, và đây cũng là nền tảng cơ bản giúp FMCG ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt, dự báo tốc độ tăng trưởng của FMCG online sẽ tăng cao gấp 4 lần so với FMCG offline.
Làm thế nào để chiến thắng trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), bà Lê Minh Trang, đại diện của Nielsen Việt Nam cho rằng cần thấu hiểu tâm lý của người tiêu dùng, đầu tiên cần xác định đối tượng khách hàng sinh sau năm 1995; những người sinh sau năm 1980 và những người sinh sau năm 1960. Đối với mỗi thế hệ đều có tâm lý tiêu dùng cũng như cách tiếp cận khác nhau vì liên quan đến lối sống và hành vi, sở thích phản ánh trên hành vi tương tác của họ trên internet.
Cụ thể, đối với thế hệ sinh sau năm 1995 với sở thích rất phong phú và ham tìm hiểu những sản phẩm trên mạng từ du lịch, thời trang đến xem phim, games cũng như trò chuyện với bạn bè trên mạng… đều được biểu hiện rất rõ ràng qua các hành vi tương tác trên internet.
Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu với tỷ lệ 45 – 60% chấp nhận mua hàng online. Qua phân tích thị trường có thể thấy, có 10 yếu tố quyết định mức độ về quy mô thị trường FMCG, từ đó được chia làm 4 tầng thông tin nền tảng; những yếu tố vĩ mô tác động; những yếu tố về kinh tế xã hội và những yếu tố cạnh tranh.
Trong đó, yếu tố nền tảng phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tăng trưởng bình quân tại mỗi quốc gia (GDP) và đang tập trung tại hai nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, để FMCG phát triển còn phụ thuộc vào số lượng tài khoản cá nhân của mỗi quốc gia, tỷ lệ số người sử dụng internet và cuối cùng là số lượng người sử dụng smartphone.
Những yếu tố vĩ mô được xác định là sự hỗ trợ của nhà nước đối với việc phát triển FMCG, đồng thời có ảnh hưởng từ số lượng cũng như tốc độ tăng dân số của mỗi quốc gia. Ngoài ra, để FMCG phát triển còn có sự quyết định từ sự tiện lợi của các gian hàng FMCG, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng về tiềm năng cũng như mức độ phát triển của nền kinh tế. Đối với những quốc gia như Việt Nam, yếu tố thu hút khách hàng từ nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm có chi phí thấp, tiết kiệm qua các dịch vụ trung gian.
Yếu tố tiêu dùng nảy sinh từ sự hứng khởi trong việc mua sắm của khách hàng khi tham gia FMCG từ các nhà bán lẻ Việt Nam. Điều này phụ thuốc rất lớn vào yếu tố địa lý, khả năng bao phủ hàng hóa của nhà cung cấp trong đó có sự tối ưu về giá cả trong bán hàng. Trong đó, kinh nghiệm của những nhà cung cấp FMCG không còn là chiều dài kinh nghiệm mà chính là chiều sâu của kinh nghiệm đó với nhiều thương hiệu đang tăng trưởng ấn tượng tại thị trường Việt Nam.
Để xác định được một FMCG phát triển sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố chính, đầu tiên đó là khả năng khách hàng có thể tiếp cận được internet (ở Việt Nam đang là 67%). Bên cạnh đó, mọi người đều phải có niềm tin về triển vọng của nền kinh tế. Ngoài ra, với sự tác động của gia tăng dân số (95 triệu dân) cùng các lợi thế để nhận được sự hỗ trợ của nhà nước từ các văn bản hướng dẫn để vận hành thông thoáng về FMCG, bởi chỉ số niềm tin của người tiêu dùng hiện nay đã phản ánh phần nào.
Theo ông Tuấn Hà, CEO Vinalink, trải nghiệm số đỡ tốn chi phí sản phẩm thật, giúp khách hàng có thể trải nghiệm từ xa... Doanh số thương mại điện tử năm 2018 gần 10 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng gần 30%. Thương mại điện tử có tốc độ đang rất là lớn. “Tất cả các ban, ngành, Chính phủ đều đang cố gắng điện tử hóa hết thì bản thân thương mại cũng phải nhanh chóng điện tử hóa. Và đối với thương mại điện tử thì có đặc điểm là marketing trải nghiệm sẽ giúp cho người ta gia tăng niềm tin và từ đó niềm tin mua hàng quay trở lại. Bởi trước nay chúng ta không mua - bán online nhiều vì thiếu niềm tin, chúng ta thường phải sờ tận tay, thử dùng mới tin. Cho nên nếu làm thương mại điện tử mà bỏ qua trải nghiệm của người dùng thì thất bại. Cần đẩy mạnh marketing trải nghiệm để người dùng tin tưởng hơn, biết được doanh nghiệp nào thực sự uy tín để doanh nghiệp lớn mạnh hơn”- ông Tuấn Hà chia sẻ.
VOMF 2019 bao gồm 4 chủ đề lớn. Thứ nhất, “Thực tế là xu hướng” sẽ thảo luận về xu hướng tiếp thị trực tuyến trong thời đại số; thứ hai, “Từ kế hoạch tới thực thi” là cơ hội để trao đổi về tác động của công nghệ tới mọi doanh nghiệp, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo; thứ ba, “Tiếp thị thông minh” bàn luận về vận dụng công cụ tiếp thu trực tuyến để thấu hiểu nhu cầu của khách hàng và giữ chân khách hàng; thứ tư, “Thấu hiểu và bùng nổ” sẽ giúp các nhà kinh doanh trực tuyến định hướng được cách tăng doanh thu, giá trị qua công cụ tiếp thị.
Kim Dung