Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Giám đốc Điều hành
Trung tâm Thương mại Quốc tế, Bà Arancha González.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cảm ơn và đánh giá cao các hỗ trợ mà ITC đã dành cho Việt Nam thời gian qua. Khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ ITC. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết hiện Việt Nam có đến 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn trong số này còn có hạn chế trong việc tiếp cận thông tin thị trường quốc tế. Vì vậy, mong ITC có thể giúp hỗ trợ hình thành các kênh cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thông tin thị trường, giúp các doanh nghiệp ra quyết định kinh doanh hiệu quả. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh quá trình hội nhập giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng và chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính. Vì vậy, mong muốn ITC giúp tư vấn cho Chính phủ Việt Nam xây dựng chiến lược hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị quốc tế. 

Liên quan đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đề nghị Bà Arancha González và ITC ủng hộ và góp phần thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA; đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực cho Việt Nam nhằm thực thi đầy đủ, hiệu quả các cam kết của Hiệp định.

Về phần mình, Bà Arancha González cho biết, chuyến thăm làm việc tại Việt Nam lần này nhằm mục đích tìm hiểu nhu cầu của Việt Nam, giúp hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các ưu tiên phát triển của mình. Với kinh nghiệm, vai trò của mình, Bà cùng với các cộng sự sẽ hỗ trợ hết sức trong việc giúp các doanh nghiệp các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam tiếp cận thông tin, mở rộng thị trường và tham gia sâu hơn và chuỗi giá trị toàn cầu. Nhận thức việc sớm triển khai Hiệp định EVFTA sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho EU và các nước thành viên thông qua mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tạo cầu nối gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn với khu vực Đông Nam Á và châu Á – TBD, khu vực phát triển năng động, đi đầu trong liên kết kinh tế, Bà Arancha González bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do quan trọng này.

ITC (International trade Centre – Trung tâmThương mại Quốc tế) là cơ quan chung của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên hợp quốc (UN) được thành lập năm 1964, mục đích tập trung thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến thương mại.

Tất cả các thành viên của UN và WTO đều là thành viên quản trị của ITC. Tổ chức này tiến hành các hỗ trợ kỹ thuật để khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ quốc tế hóa.

ITC thành công trong việc kết nối các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển với các chuỗi giá trị, xây dựng các liên kết thị trường bền vững và đưa ra các kết quả phát triển tích cực. Tính năng đặc biệt của ITC là cung cấp các giải pháp tích hợp bằng cách nâng cao năng lực thể chế, quản lý và kinh doanh phù hợp với các cấp độ chính phủ, doanh nghiệp và thể chế.

Trọng tâm chính của ITC là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành công trong kinh doanh quốc tế. Có kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ 50 năm, ICT là cơ quan đã quen thuộc với các nhu cầu đặc biệt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm các doanh nghiệp do nữ làm chủ và có kinh nghiệm trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế và kết nối với các thị trường.

Tất cả các công việc của ITC tập trung vào viện trợ thương mại, giúp các nước đang phát triển nâng cao năng lực và cơ sở hạ tầng thương mại để mở rộng cơ hội thương mại.

ITC tập hợp khu vực tư nhân và nhà nước cùng nhau xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi. ITC cũng làm việc với khu vực tư nhân để hỗ trợ năng lực của mình như là người mua, nhà đầu tư, và các nhà cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.

Là một tổ chức tương đối nhỏ, ITC có thể nhanh chóng hình thành cách tiếp cận dựa trên những hiểu biết sâu sắc và quan điểm của người hưởng lợi và đối tác. Tính linh hoạt này cho phép ITC thích nghi với những nhu cầu đang thay đổi của khách hàng trong một môi trường kinh doanh quốc tế năng động.

Mục tiêu của ITC là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bao trùm và bền vững thông qua phát triển thương mại và kinh doanh quốc tế.

ITC cung cấp giải pháp tích hợp cho sáu lĩnh vực trọng tâm cốt lõi. Mỗi lĩnh vực đại diện cho một nhóm thống nhất các giải pháp với chương trình tương ứng được thiết kế để phù hợp và tùy biến thành các giải pháp lấy khách hàng làm trung tâm.

Việc cung cấp thông tin sáng tạo, sắc bén về thị trường nhằm cải thiện chất lượng quá trình ra quyết định kinh doanh là trung tâm nhiệm vụ của ITC từ khi thành lập năm 1964.

ITC hỗ trợ các nước đang phát triển tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho tăng trưởng thương mại bằng cách thúc đẩy sự dung nạp quan điểm của khu vực kinh tế tư nhân vào quá trình ra chính sách. ITC hỗ trợ việc thể chế hóa cơ chế đối thoại công tư nhằm hình thành chiến lược và chính sách thương mại ở tầm quốc gia và khu vực.

ITC hoạt động dựa vào mạng lưới các cơ chế hỗ trợ thương mại và đầu tư, từ các tổ chức xúc tiến thương mại, các phòng thương mại, các hiệp hộ ngành, các cơ quan phát triển doanh nghiệp, tổ chức quản lý chuỗi cung ứng…Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này để cung cấp dịch vụ hiệu quả và thực chất hơn để cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục là một nhiệm vụ cốt lõi của ITC.

ITC hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng chiến lược thương mại tạo thuận lợi cho những chuyển đổi cần thiết để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.

ITC làm việc với khách hàng để tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào mọi chương trình phát triển thương mại, trong khi vẫn duy trì sự tập trung vào các sáng kiến theo yêu cầu. ITC triển khai các chương trình cụ thể nhằm vào việc trao sức mạnh kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy doanh nghiệp trẻ, kết nối các cộng đồng nghèo với chuỗi giá trị và thúc đẩy thương mại xanh. ITC cũng tích hợp các mục tiêu môi trường bền vững và bình đẳng giới vào toàn bộ các hoạt động của mình.

ITC cộng tác với các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ… để thúc đẩy thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ hàm chứa giá trị gia tăng giữa các thị trường này và các nước phát triển khác, bao gồm cả nhóm các nước kém phát triển (LDC). Đặc biệt, ITC tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp từ các nước thu nhập thấp tham gia vào chuỗi giá trị do doanh nghiệp ở các nền kinh tế mới nổi dẫn dắt.

 Các hoạt động ITC đã thực hiện các sự kiện ở Việt Nam:
Chương trình học tập kinh nghiệm nâng cao kỹ thuật sản xuất thủ công mỹ nghệ và tìm hiểu về sản phẩm nhuộm tự nhiên tại Hà Nội và Nghệ An (2014).
Chương trình đánh giá năng lực của bốn cơ quan xúc tiến thương mại cấp tỉnh ở Việt Nam (Hải Phòng, Bắc Ninh, Đà Nẵng và An Giang) năm 2013.
Chương trình đào tạo để các tổ chức xúc tiến thương mại nộp hồ sơ tham dự Giải thưởng TPO Network Awards (2013).
 
Mạnh Hùng